Nghị quyết 10/2018 của HĐND TPHCM chia chương trình này thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 mục tiêu xây dựng 40 triệu m2 sàn, giai đoạn 2021-2025 mục tiêu xây dựng 48 triệu m2 sàn. Nhưng thực tế đến nay TPHCM đã phát triển được tới 50 triệu m2. TPHCM rà soát lại và điều chỉnh cho phù hợp thực tế, vừa có tính kế thừa, vừa đặt mục tiêu cao hơn để đáp ứng nhu cầu người dân. |
Sáng 7-7, tại kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X, các đại biểu HĐND TPHCM bắt đầu phiên thảo luận những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Lãnh đạo các quận, huyện tham dự kỳ họp HĐNDTP. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phiên sáng nay HĐND TPHCM bắt đầu chất vấn Sở Xây dựng và quận 8 về chương trình nhà ở. Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, các đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân.
Trong phiên chất vấn, đã có 12 BĐ đặt 23 câu hỏi chất vấn, trong đó chất vấn nhiều nội dung như công tác điều chỉnh quy hoạch, rà soát quỹ đất, mục tiêu phát triển phát triển nhà ở xã hội (NƠXH),… trên địa bàn TPHCM.
Đã giải quyết khoảng 1,8 triệu người thuê
Cụ thể, ĐB Trần Quang Thắng hỏi về công tác điều chỉnh quy hoạch, rà soát quỹ đất phát triển NƠXH. Theo ĐB, kết quả rà soát có bao nhiêu khu đất? Nguồn vốn ngân sách để phát triển NOXH là bao nhiêu? Vì sao thủ tục đầu tư NOXH luôn khó khăn hơn nhà ở thương mại để doanh nghiệp ngại đầu tư NƠXH? ĐB Lê Xuân Viên cũng đặt vấn đề, về nhà ở của công nhân lao động trên địa bàn TPHCM cho thấy nhu cầu thuê nhà để ở rất cao. Đa số công nhân lao động có nhu cầu thuê thay vì mua nhà ở. “Giải pháp hỗ trợ xây dựng nhà lưu trú công nhân, nhà trọ giá rẻ đảm bảo chất lượng là gì?”, ĐB hỏi.
ĐB Trần Quang Thắng chất vấn tại hội trường. Ảnh: VIỆT DŨNG
Xác định chính sách nhà ở tốt sẽ là điều kiện để giữ chân người lao động đến TPHCM, ĐB Lê Thị Kim Thúy chất vấn, tiến độ triển khai thực hiện các dự án NƠXH, cũng như đến năm 2025 TPHCM xác định phát triển thêm bao nhiêu nhà NƠXH? Trong khi đó, ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc nêu vấn đề, TPHCM đang thực hiện Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025, tại kỳ họp này UBND TPHCM lại trình Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030. Sự giao thoa về thời gian này có gì trùng lắp hay không?
Trả lời những nội dung trên, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân cho biết chương trình phát triển nhà ở là nội dung TPHCM làm xuyên suốt, liên tục, có tính kế thừa.
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân trả lời chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trả lời thêm các ĐB, qua khảo sát, rà soát TPHCM ghi nhận có khoảng 600.000 phòng trọ với 60.000 chủ nhà trọ. Trong đó, có 40% nhà trọ ở trong các khu dân cư, nhà ở chia phòng cho thuê. Với 600.000 phòng trọ này đã giải quyết khoảng 1.8 triệu người thuê là công nhân, người lao động. Trong đó, có khoảng 900.000 công nhân thuê nhà trọ ở gần các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM đánh giá qua khảo sát, có trên 90% nhà trọ đạt tiêu chuẩn 5m2/người và đảm bảo về các điều kiện sống. Tuy nhiên trong số này có đến 30% nhà trọ chưa đảm bảo về PCCC và lối thoát hiểm, thoát nạn. Sở cũng đã tham mưu cho TPHCM có chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ cải tạo, nâng cấp phòng trọ.
Đáp ứng nhu cầu thuê nhà của công nhân gần nơi làm
ĐB Huỳnh Hồng Thanh nhận thấy nhu cầu của nhiều công nhân, người lao động là thuê nhà. Từ đó ĐB đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM thông tin rõ, trong chương trình phát triển nhà ở mà sở đã tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM có lưu ý gì về phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu thuê nhà của công nhân?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM thông tin, trong chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030, sở có đề xuất dành 20% nhà ở dành cho những trường hợp có nhu cầu thuê. Hiện, mục tiêu xây NƠXH phục 3 nhóm đối tượng và TPHCM có thể linh động giải quyết phù hợp với nhu cầu của người dân. Ngoài ra, các khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ có các dự án do doanh nghiệp xây dựng và đều phục vụ công nhân thuê.
Trong năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 35 cho phép TPHCM được sử dụng đất thương mại dịch vụ trong khu chế xuất, khu công nghiệp để xây nhà lưu trú cho công nhân, người lao động thuê. Hiện nay TPHCM đã khởi công xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê theo Nghị định này và tiếp tục triển khai thêm 4 dự án mới. Trong thời gian tới, qua khảo sát có thêm 6 dự án mà doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng nhà ở cho công nhân thuê ở trong các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Về nguồn vốn thực hiện, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trong suốt nhiệm kỳ 2016-2020, TPHCM xây dựng 15.000 nhà ở xã hội, trong số này tỷ lệ sử dụng vốn ngân sách chỉ chiếm 6%, số còn lại hầu hết vốn từ doanh nghiệp. Do đó TPHCM chỉ đạo các sở ngành nghiên cứu tham mưu bố trí nguồn vốn ngân sách xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn tới. Qua đó cùng với các nguồn vốn xã hội hóa, của các doanh nghiệp để phát triển thêm nhà ở trên địa bàn tới.
Ông Trần Hoàng Quân cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM đặt mục tiêu phát triển nhà ở cao gấp 2,3 lần so với nhiệm kỳ trước. Điều này thể hiện quyết tâm của TPHCM trong việc phát triển nhà ở, giải quyết căn cơ trong nhiệm kỳ này về vấn đề nhà ở. Hiện nay TPHCM tạo điều kiện, rút ngắn các thủ tục cho doanh nghiệp để triển khai xây dựng sớm các dự án nhà ở với 35.000 căn nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại.