Chiều 12-8, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, dẫn đầu đoàn công tác khảo sát tại TPHCM về kết quả tổng kết Nghị quyết 49-NQ/TW (năm 2005) của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Chỉ thị 33-CT/TW (năm 2009) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư.
Về phía TPHCM có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Trần Thế Lưu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy; Lê Đông Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP, cùng các thành viên Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp, lãnh đạo các ban ngành tham dự.
Cụ thể, theo đồng chí Nguyễn Hòa Bình, quá trình tổng kết sẽ đánh giá những việc làm được, kinh nghiệm, hạn chế cũng như xem xét khả năng tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp mới sau năm 2020 hay không. Vì vậy, qua khảo sát ở các đảng bộ, tổ chức đảng cũng phải tham mưu cho Bộ Chính trị, sau đó là Trung ương và Đại hội một chủ trương hoạch định về một chiến lược mới.
Chiến lược này sẽ chỉ ra tương lai cần hướng đến nền tư pháp như thế nào và giải pháp để đạt được mục tiêu đó. “Đây là việc rất lớn, không chỉ có ý nghĩa với một thời đoạn 15 và 10 năm thực hiện nghị quyết, chỉ thị mà còn hoạch định cho một giai đoạn mới”, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Tuy vậy, tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo chủ thể trong lĩnh vực công chứng và chứng thực hiện đang diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, TPHCM dự báo tới đây tình hình vi phạm, tội phạm sẽ diễn ra phức tạp, bao gồm cả tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài với những phương thức thủ đoạn mới tinh vi, xảo quyệt. Đó có thể là các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, lừa đảo qua mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao tội phạm trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng, tham nhũng.
Đáng chú ý là các loại tội phạm ma túy do TPHCM vừa là địa bàn tiêu thụ lớn, vừa là địa bàn trung chuyển ma túy ra các tỉnh và nước ngoài.
Theo đồng chí Phan Ngọc Minh, khối lượng công việc của ngành tư pháp TPHCM rất nhiều. Hàng năm các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử của TPHCM thụ lý giải quyết khoảng 1/6 đến 1/5 các loại án, vụ việc của cả nước. Thế nhưng, số lượng điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa tương xứng, lại phải tinh giản tối thiểu 10% biên chế.
Vì vậy, TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ - ngành xem xét lại chỉ tiêu tinh giản biên chế để bố trí tăng hoặc giữ nguyên biên chế được giao do thực trạng công việc của các cơ quan tư pháp TPHCM ngày càng tăng về số lượng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp.
Luật sư đông nhưng chưa chuyên nghiệp Về thực hiện Chỉ thị 33, đồng chí Phan Ngọc Minh thông tin, sau 10 năm triển khai chỉ thị, số lượng luật sư đã tăng lên 5 lần, từ hơn 1.000 người (năm 2009) lên gần 5.440 người hiện nay. Tuy nhiên, số lượng luật sư và tổ chức hành nghề luật sư tham gia hành nghề và hoạt động còn thấp. Chất lượng hoạt động hành nghề luật sư chưa tương xứng với yêu cầu của thị trường dịch vụ pháp lý tại TPHCM. Hầu hết các tổ chức hành nghề luật sư là các văn phòng luật sư nhỏ (dưới 5 luật sư), mô hình đơn giản, hoạt động không chuyên nghiệp và còn tình trạng vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. |