TPHCM: Linh hoạt nhiều giải pháp triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Chiều 22-8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 giáo dục trung học do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc lưu ý các cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá học sinh một cách đồng bộ và quyết liệt hơn. 

Chủ động phương án bố trí giáo viên

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Quang Tâm, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, năm học 2022-2023, hệ thống trường lớp phát triển mạnh ở cả khu vực nội thành lẫn ngoại thành.

Trong đó, các trường chú trọng phát triển thư viện thông minh, nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, mở rộng không gian lớp học, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, câu lạc bộ, nghiên cứu khoa học kỹ thuật...

Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ nổi bật trong năm học 2022-2023 là xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số trong quản lý và triển khai phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.

Bên cạnh đó, giáo dục trung học cũng đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Để giải quyết, các cơ sở giáo dục xây dựng phương án điều chuyển giáo viên nơi thừa sang nơi thiếu.

Trường học tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp học sinh phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Trường học tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp học sinh phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Song song đó, các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học, chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ, nhất là đối với các môn Tin học, Công nghệ, Ngoại ngữ...

Tới đây, trong năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TPHCM khuyến khích các trường THPT tổ chức lớp học "động" theo từng môn học đối với các môn lựa chọn nhằm đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh.

Đổi mới đồng bộ giữa các cấp học

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc đề nghị các địa phương quyết liệt hơn trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp chuẩn bị năm học mới.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc đề nghị các cơ sở giáo dục thực hiện đồng bộ và quyết liệt hơn đối với việc đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá học sinh

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc đề nghị các cơ sở giáo dục thực hiện đồng bộ và quyết liệt hơn đối với việc đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá học sinh

Đối với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng cần sự chủ động, sáng tạo của các phòng GD-ĐT, cơ sở trường học thông qua nhiều hoạt động như tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm giúp các thầy cô giáo tự tin hơn khi triển khai chương trình mới.

"Các trường học cần sớm đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá học sinh từ những năm đầu của bậc THCS, tránh tình trạng đến năm lớp 9 mới thay đổi phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng tăng cường vận dụng thực tiễn. Việc đổi mới cần thực hiện đồng bộ giữa các cấp học và đơn vị, trong đó đòi hỏi vai trò chủ động và quyết liệt của người đứng đầu đơn vị, giúp dạy học theo đúng định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018", ông Nguyễn Bảo Quốc lưu ý.

Liên quan bài toán chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, các trường nội thành và ngoại thành hiện nay có điều kiện như nhau về trang thiết bị dạy học, trình độ giáo viên. Tuy nhiên, vì sao chất lượng giáo dục giữa nội thành và ngoại thành có chênh lệch là bài toán đặt ra cho các đơn vị?

"Các trường cần tập trung thay đổi cách dạy, cách học, làm sao để dạy học nhẹ nhàng nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Riêng đối với các môn tích hợp của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các địa phương tăng cường hoạt động chia sẻ đồng nghiệp, giúp giáo viên tự tin hơn khi đứng lớp", Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.

Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) Lê Duy Tân lưu ý, các cơ sở giáo dục cần quan tâm đối tượng học sinh gặp khó khăn trong học tập, đảm bảo không có học sinh thiếu sách giáo khoa khi vào năm học mới.

Tin cùng chuyên mục