Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, đến nay chuỗi cung ứng hàng hóa chủ lực cho người dân vẫn là các kênh phân phối hiện đại bởi 3 chợ đầu mối và hơn 2/3 chợ truyền thống vẫn phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch. Do đó, Sở Công thương tiếp tục duy trì hoạt động chuỗi các “Kênh phân phối bổ trợ nguồn lương thực thực phẩm cho TPHCM” và triển khai thêm chương trình “Đưa thực phẩm, nông sản trực tiếp từ nhà máy, nông trại đến người tiêu dùng”. Việc này nhằm phân phối thực phẩm, nông sản trực tiếp đến người dân tại từng địa bàn dân cư cũng như các khu phong tỏa.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết thành phố đã tổ chức được 1.635 điểm bán với 2.108 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận huyện. Ban đầu chỉ là những chiếc xe tải thông thường được cải tạo để mang hàng hóa đến phục vụ người dân thì đến nay, chương trình đã được triển khai nhân rộng với nhiều mô hình sáng tạo, linh hoạt. Từ những chiếc xe tải bán hàng thông thường, xe buýt bán thực phẩm lưu động và nay là những xe buýt được cải tạo, lắp đặt quầy kệ thành các “siêu thị mini di động” mang đầy đủ thực phẩm và hàng thiết yếu, giá cả bình ổn phục vụ người dân.
Đáng chú ý, chương trình “Kênh phân phối bổ trợ nguồn lương thực thực phẩm cho TPHCM” đã huy động các nguồn lực xã hội, kết nối các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics đủ năng lực và điều kiện cùng tham gia vào chuỗi cung ứng linh hoạt; thông qua việc trưng dụng hệ thống bưu cục, phương tiện vận chuyển, nhân lực của công ty bưu chính; chuyển đổi công năng tạm thời của chuỗi các cửa hàng bán lẻ thành điểm bán lương thực thực phẩm…
Theo Sở Công thương, thời gian cao điểm, chương trình đã tổ chức hơn 1.000 điểm bán/ngày; đến nay chương trình được tổ chức với quy mô phù hợp do tình hình cung ứng hàng hóa cho người dân đã được ổn định từ số lượng đến chất lượng, giá cả hàng hóa.
Là người trực tiếp mua hàng qua “siêu thị mini di động”, chị Nguyễn Ngọc Vân, ngụ quận TP Thủ Đức chia sẻ, qua những chuyến xe lưu động chị đã tiếp cận được đủ loại thực phẩm thiết yếu hàng ngày như thịt, cá, trứng, gạo, dầu ăn, rau củ quả, trái cây… với giá bình ổn. Chị Vân hy vọng trong thời gian giãn cách, các xe lưu động thường xuyên được tổ chức để người dân yên tâm chống dịch.
Cùng chung tay hỗ trợ người dân chống dịch, mới đây Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, từ nay đến hết ngày 25-8, các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile trên toàn quốc sẽ áp dụng chương trình giảm giá hơn 2.000 sản phẩm chăm sóc sức khỏe gồm thủy hải sản, rau củ, các loại trái cây, các loại sữa, sản phẩm vệ sinh cá nhân, diệt khuẩn, hóa phẩm và đồ dùng với tỷ lệ giảm giá từ 15% đến gần 50%.
Theo đại diện Saigon Co.op, đơn vị đang gồng mình chịu lãi âm để thực hiện chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân. Có thể thấy, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, dù lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của Saigon Co.op từ offline đến online đều quá tải, chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) - trong khi đây là ngành hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất của đơn vị.
Cùng với hàng hóa, hàng loạt chi phí đặc thù mùa dịch phát sinh cũng là khó khăn lớn cho siêu thị như chi phí xét nghiệm nhanh và chuyên sâu liên tục cho nhân viên, tài xế, chế độ chính sách cho người lao động mùa dịch, phí shipper tăng cao và hàng loạt siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food phải đóng cửa khi xuất hiện ca nhiễm, khiến doanh thu không ổn định, nguồn thu sụt giảm. Tuy nhiên, với chủ trương là đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu đúng với bản chất nhân văn mà đơn vị đã duy trì hơn 30 năm qua, Saigon Co.op cam kết giữ và giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu để giảm bớt gánh nặng của người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.