Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát tại các tỉnh phía Nam và TPHCM với số ca nặng và tử vong tiếp tục gia tăng trong những ngày gần đây.
Tính từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 24.941 số ca mắc SXH (tăng 61% so với cùng kỳ năm 2019), 12 ca tử vong (tăng 7 ca so với cùng kỳ 2019). Các quận huyện có số ca mắc cao: quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi. Hầu hết số ca mắc thuộc nhóm tuýp huyết thanh D1, bắt đầu có sự gia tăng của tuýp huyết thanh D2, tương ứng với số ca nặng cũng tăng.
Dự báo, dịch SXH năm 2022 sẽ bùng phát mạnh, số ca mắc tăng, số ca nặng và tử vong tăng nếu không quyết liệt các giải pháp chống dịch ngay từ bây giờ.
Để đảm bảo công tác thu dung điều trị không bị quá tải, hiện ngành y tế đã xây dựng kịch bản thu dung điều trị SHX. Qua giám sát tại các bệnh viện, cứ 100 người đến khám có 60 người cần nhập viện với các triệu chứng như: sốt cao, nôn ói không rõ nguyên nhân; trong số đó có khoảng 20% có dấu hiệu cảnh bảo, 10% có dấu hiệu nặng, 1% có dấu hiệu nguy kịch, sốc kéo dài, suy đa tạng.
“Sở Y tế TPHCM đã xây dựng kịch bản dựa vào số ca mắc đến nhập viện và số ca nhập viện có tình trạng nặng để phân công cho các bệnh viện điều trị, không để quá tải và thuốc men điều trị”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng thông tin.
Liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm phòng chống dịch theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, từ đầu năm đến nay chỉ có 13 quận huyện đề nghị xử phạt 41 điểm nguy cơ khi để phát sinh lăng quăng và chỉ có 5 quận huyện ra quyết định xử phạt là: quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận 3, quận 4, quận Gò Vấp.
Hiện ngành y tế thành phố cũng đã triển khai ứng dụng y tế trực tuyến phản ánh các điểm nguy cơ có lăng quăng, muỗi.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, thời gian qua, cùng với các lực lượng chuyên ngành, TPHCM đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra tại các địa phương về công tác phòng chống SXH và ghi nhận có sự tích cực, chuyển biến, thực hiện nghiêm túc các văn bản của thành phố trong công tác phòng chống dịch.
Đối với dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu, phải có sự cảnh giác cao. Trước bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang có sự lây nhiễm nhanh với các biến thể mới, TPHCM bằng mọi giá không để tái diễn dịch bệnh, vì vậy cần tăng cường tác phòng ngừa.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, có 2 việc phải làm là bao phủ vaccine cần phải được triển khai nhanh hơn nữa, tuyên truyền cho người dân lợi ích của việc tiêm vaccine; quy trách nhiệm từng cá nhân, tuyệt đối không để mình thành nguồn lây cho người khác.
Đối với SXH, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, biện pháp mấu chốt, quan trọng và hữu hiệu nhất là cắt đứt nguồn lây từ lăng quăng, muỗi. Đây là biện pháp duy nhất, rẻ tiền, không tốn nhiều sức.
Vì vậy, tất cả các địa phương, đơn vị triển khai nghiêm túc, quyết liệt công văn số 2095 của UBND TPHCM về tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, để không xảy ra dịch bệnh tái phát, đặc biệt không để xảy ra dịch chồng dịch thì cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, mỗi người dân, cán bộ công chức, viên chức, người lao động tham gia vào quá trình chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Từng người một thực hiện nghiêm, đầy đủ trách nhiệm công dân của mình.
Nếu mắc bệnh thì không trở thành nguồn lây cho xã hội, cho cộng đồng. Tại công sở, gia đình cần kiểm soát kỹ không để các nguồn lây sinh ra muỗi, lăng quăng. Bên cạnh đó, ngành y tế hoàn thiện hệ thống thu dung điều trị để điều trị tốt nhất cho người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, gần đây xuất hiện thông tin các ca bệnh hoại tử xương hàm ở những người đã từng mắc Covid-19 và đã có ca tử vong. Yêu cầu ngành y tế khẩn trương tìm hiểu kỹ nguyên nhân để điều trị cho bệnh nhân được tốt hơn, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. |