Đó là: Chốt kiểm dịch động vật cầu Kỳ Hà 1, đặt tại khu vực Trạm cân cầu Kỳ Hà 1 gần Trạm thu phí cầu Phú Mỹ (Trạm cân của Đội 5 - Thanh tra giao thông công chánh thuộc Sở Giao thông Vận tải) do Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 phụ trách; chốt kiểm dịch động vật Phước Thạnh, đặt tại khu vực trước nhà số 1057, quốc lộ 22, ấp Mây Trắng, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi do Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 phụ trách.
Thời gian hoạt động của các chốt 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần (kể cả ngày lễ). Các chốt kiểm dịch tạm thời sẽ dừng hoạt động khi tình hình dịch bệnh động vật ổn định, không còn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Ngày 31-5, tại cuộc họp đột xuất về bệnh dịch tả heo châu Phi với các quận huyện, sở ngành, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho biết, với diễn biến phức tạp hiện nay, tình huống nào cũng có thể xảy ra thời gian tới. Vì vậy, bên cạnh làm tốt việc chốt chặn những tuyến đường giáp ranh các tỉnh để kiểm soát, mỗi địa phương cần chuẩn bị trước tất cả các phương án, có sẵn địa điểm tiêu hủy tại chỗ. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra cần xử lý nhanh gọn và dứt điểm; điều quan trọng là phải kiểm soát được tình hình, không để dịch bệnh lan rộng. Tăng cường kiểm soát giết mổ lậu - đây là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y giới thiệu cho các địa phương đầu mối có thể mua heo giết mổ trữ đông. Các cơ sở chưa nên tái đàn thời điểm hiện nay.
Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết đã làm việc với Công ty Môi trường đô thị chuẩn bị sẵn các phương án xử lý từ 50-1.000 con nếu dịch bệnh xảy ra. Hiện nay, TPHCM có 3.917 hộ nuôi heo với 274.154 con; trong đó 274 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa từ các quán ăn, có nguy cơ cao đối với bệnh.