Theo đó, từ 15-8 đến hết năm 2022, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP TPHCM sẽ triển khai công tác bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biển, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc liên quan đến rượu, bia, đồ uống có cồn.
Đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn; các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán rượu , bia, đồ uống có cồn tiêu dùng tại chỗ; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn bị phản ảnh từ các cá nhân, tổ chức, báo đài, phương tiện truyền thông đại chúng.
Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP giao cho Ban Quản lý ATTP và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung thanh, kiểm tra ATTP đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu rượu, bia, đồ uống có cồn; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán rượu, bia, đồ uống có cồn tiêu dùng tại chỗ.
Bên cạnh đó, tập trung kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn, nguyên liệu để sản xuất, chế biến rượu, bia, đồ uống có cồn... Thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với rượu, bia, đồ uống có cồn không đảm bảo an toàn.
Cùng ngày, Ban Quản lý ATTP đã có văn bản gửi UBND quận, huyện và TP Thủ Đức về việc tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và tuyên truyền phòng chống tác hại của việc sử dụng rượu.
Yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường công tác kiểm tra cơ sở sản xuất rượu và tuyên truyền phòng chống tác hại của việc sử dụng rượu không an toàn; hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện ATTP đối với các cơ sở sản xuất theo hình thức thủ công, các cơ sở kinh doanh rượu; xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất và kinh doanh rượu không đảm bảo ATTP. Đồng thời nhanh chóng triển khai các biện pháp điều tra, xử lý, khắc phục sự cố về ATTP nếu có.