Mở vùng sản xuất
Năm 2017, TPHCM có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 13%, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước, chiếm gần 24% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ các tỉnh thành khu vực ĐBSCL của 11 tháng năm 2018 tăng bình quân 12,28%, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước.
Theo Sở Công thương TPHCM, có 80% nguồn cung thị trường TPHCM đến từ các địa phương ĐBSCL đã tác động tích cực thúc đẩy phát triển và ổn định thị trường các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn của TPHCM đã đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở phân phối, liên kết ứng vốn cho nông dân tại địa phương vùng ĐBSCL phát triển sản xuất, thực hiện BOTT. Đơn cử, với kinh nghiệm tham gia BOTT hơn 10 năm, Công ty TNHH San Hà (chuyên cung cấp thịt gia cầm) đã mở thêm cửa hàng tại tỉnh Long An, tạo thành chuỗi liên kết với nông dân, mở rộng thị trường BOTT. Theo Công ty TNHH San Hà, nhằm đáp ứng đủ nguồn hàng BOTT cho TPHCM và các địa phương vùng ĐBSCL, công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy tại Long An để mở rộng liên kết cung ứng sản phẩm BOTT cho các địa phương vùng ĐBSCL. Công ty mong muốn địa phương tạo điều kiện cho nông dân và có chính sách hỗ trợ để mở rộng nhà máy.
Tỉnh Trà Vinh chỉ chủ động gạo, gia cầm và rau củ quả, còn lại phụ thuộc rất lớn vào thị trường khác. Theo Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh với 6 doanh nghiệp, 33 điểm bán BOTT; hiện sở đang vận động thêm nhiều doanh nghiệp tham gia BOTT với những mặt hàng thiết yếu. Trong thời gian tới, sở đề xuất TPHCM tạo điều kiện hỗ trợ, mời gọi doanh nghiệp để các sản phẩm Trà Vinh thâm nhập thêm thị trường TPHCM và tỉnh cũng mở cửa cho các doanh nghiệp từ địa phương khác tham gia BOTT tại tỉnh.
Qua khảo sát của Sở Công thương tỉnh Bến Tre, các địa phương khu vực ĐBSCL có chung đặc thù về lúa gạo, còn lại mỗi địa phương có sản phẩm riêng như trái cây, thủy hải sản, nông sản… nên mỗi tỉnh đều thiếu mặt hàng khác nhau. Hiện nay, liên kết sản xuất hàng hóa cần phải có đơn vị dẫn dắt, bởi nhiều hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân hay bị phá vỡ nếu bên nào có lợi nhuận cao hơn. Cho nên, TPHCM cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc để quản lý được doanh nghiệp cũng như nhà sản xuất.
Nhiều ý kiến cho hay, các địa phương cần có phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ liên tục trong dịp Tết Nguyên đán 2019. Qua đó tạo được uy tín, quảng bá thương hiệu và thu hút nhiều doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn tại TPHCM tham gia.
Siêu thị ký kết với đơn vị sản xuất
Hiện toàn khu vực ĐBSCL có khoảng 70 doanh nghiệp tham gia chương trình BOTT, riêng TPHCM có 90 doanh nghiệp tham gia chương trình BOTT. Nhờ công tác BOTT mà tình hình thị trường, giá cả khu vực ĐBSCL nhìn chung không biến động lớn, chỉ số giá tiêu dùng CPI 10 tháng đầu năm 2018 bình quân tăng 4,30% so với cùng kỳ năm 2017, tăng hơn mức tăng CPI của cả nước là 3,60%.
Theo Sở Công Thương TPHCM, từ đầu năm đến nay, diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TPHCM tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Riêng với chuỗi cung ứng hàng BOTT có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà phân phối, nhà sản xuất, nông trại; các hợp đồng được lên kế hoạch và ký kết từ trước, cam kết ổn định giá trong thời gian dài nên không bị tác động nhiều; hoạt động nuôi trồng, thu nhập của người nông dân trong chuỗi không bị ảnh hưởng. Ký kết với các địa phương vùng ĐBSCL sẽ giúp đảm bảo tiêu chí thực hiện chương trình BOTT trên địa bàn TPHCM năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019 sẽ thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng ít nhất từ 5% - 10%.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết sở đã thành lập sàn kết nối cung cầu online có tên miền ketnoicungcau.vn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động liên hệ, kết nối tiêu thụ sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng quy mô, tăng sản lượng cung ứng và trở thành nhà nhân phối chiến lược cho các hệ thống phân phối. Hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn TPHCM liên tục phát triển, góp phần tích cực vào thành công của chương trình BOTT. Vừa qua, hệ thống siêu thị Big C đã có chương trình tập huấn cho nông dân tại vùng sản xuất đảm bảo yêu cầu chất lượng để đủ tiêu chuẩn bán hàng vào siêu thị, đó cũng là cách mới. Nếu thực hiện thành công, sở đề nghị một số siêu thị khác thực hiện theo.
Theo Bộ Công thương, dù chủ động tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp; tuy nhiên, tại các tỉnh thành khu vực ĐBSCL công tác kết nối, hình thành liên kết sản xuất - phân phối còn gặp khó khăn, nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của vùng chưa đảm bảo các điều kiện, yêu cầu. Đa số doanh nghiệp tham gia BOTT là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính còn hạn chế; hệ thống bán hàng BOTT, chợ truyền thống chưa phát triển. Để duy trì thực hiện có hiệu quả các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, góp phần bình ổn thị trường giữa các tỉnh thành vùng ĐBSCL và TPHCM thời gian tới, Bộ Công thương đề nghị Sở Công thương TPHCM tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, kết nối tiêu thụ, phân phối sản phẩm hàng hóa thực hiện BOTT; kịp thời thông tin về nhu cầu, tiêu chí, điều kiện cung cấp sản phẩm vào thị trường TPHCM để các địa phương phối hợp thực hiện; các địa phương vùng ĐBSCL nhân rộng chương trình bình ổn theo 4 chương trình của TPHCM (lương thực thực phẩm thiết yếu, sữa, dược phẩm thiết yếu, mùa khai trường). |