Chiều 6-4, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã báo cáo Chính phủ kết quả phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM.
TPHCM triển khai 4 gói hỗ trợ giảm khó khăn do dịch Covid-19
Liên quan đến chùm ca bệnh tại bar Buddha (TPHCM), báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia cho biết, đến thời điểm này đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 4.397 người, trong đó có 18 trường hợp dương tính. Đến nay vẫn đang tổ chức cách ly, theo dõi 222 người liên quan có tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính. TPHCM cũng xác định được 20 trường hợp đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 13-3 hiện đang sinh sống tại TPHCM. Hiện TP đã tiến hành xét nghiệm 20 trường hợp này, trong đó 13 trường hợp âm tính, 7 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm.
Đối với khu cách ly, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, hiện tổng số người cách ly tập trung trên địa bàn TP là 13.900 người, trong đó đang cách ly là 4.200 người; 9.700 người đã hết thời gian cách ly.
Từ ngày 4-4 đến nay, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để phòng chống dịch. Trong đó, đã triển khai thành lập đội công nghệ để phòng chống dịch, theo dõi hành trình của người mắc, người nghi ngờ, ứng dụng công nghệ để khám chữa bệnh từ xa và triển khai giao thuốc tại nhà. Bên cạnh đó, TPHCM cũng đã triển khai xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình trực tuyến tại từng khu vực xã phường thị trấn để theo dõi và chăm sóc sức khỏe người dân.
Ngày 5-4, TPHCM đã triển khai 62 chốt kiểm dịch để phòng chống dịch Covid-19, trong đó 16 chốt cấp thành phố quản lý trực tiếp, 46 chốt do quận huyện quản lý, muc đích là nhắc nhở, tuyên truyền hướng dẫn người dân về phòng chống dịch, kiểm soát các yếu tố, nguy cơ lây nhiễm. Người dân có nhu cầu ra vào TPHCM vẫn lưu thông bình thường sau khi đươc kiểm tra về y tế. Tại 16 chốt kiểm dịch cấp thành phố cho thấy, hầu hết người dân đều chấp hành và đồng tình với việc kiểm soát y tế; ghi nhận 8 trường hợp sốt và tổ chức giám sát y tế theo quy định.
TPHCM cũng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả hành khách đến TPHCM tại sân bay Tân Sơn Nhất và ga Sài Gòn. TPHCM cũng đã ban hành mẫu cam kết phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, áp dụng cho tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ còn hoạt động.
Từ ngày 6-4, TPHCM cũng ban hành bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp với 10 chỉ số thành phần, như số lượng công nhân đang làm việc tập trung; mật độ người làm việc tại các phân xưởng; người lao động sát khuẩn trước khi ra - vào công xưởng; tỷ lệ công nhân đeo khẩu trang lúc làm việc; tỷ lệ công nhân được đo thân nhiệt trước khi vào công xưởng; số người ăn tại nhà ăn; số công nhân đi làm bằng xe đưa đón; số khu vực, địa điểm trả - đón công nhân; công ty phát khẩu trang cho công nhân; ca làm đêm…
Mỗi chỉ số thành phần đều có điểm số để doanh nghiệp tự đánh giá và Ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP sẽ giám sát chỉ số rủi ro lây nhiễm của doanh nghiệp. Nếu chỉ số rủi ro lây nhiễm từ 80%-100% thì doanh nghiệp đó phải ngừng sản xuất. Chỉ số rủi ro lây nhiễm từ 50%-80% thì doanh nghiệp phải có giải pháp để giảm rủi ro mới được sản xuất; chỉ số 30-50% thì doanh nghiệp có thể sản xuất với điều kiện không có chỉ số thành phần từ 7 điểm trở lên; chỉ số rủi ro lây nhiễm dưới 30% thì doanh nghiệp được sản xuất với điều kiện phải kiểm tra định kỳ và khắc phục các hạn chế đối với chỉ số thành phần cao nhất; chỉ số rủi ro lây nhiễm 10%, tức rất ít rủi ro thì doanh nghiệp được sản xuất bình thường.
Về chăm lo cho các đối tượng xã hội, TPHCM đã trả trợ cấp, lương hưu tháng 4, 5 cùng 1 kỳ chi trả thông qua hệ thống bưu điện. TP cũng hỗ trợ 750.000 đồng/người đối với hơn 11.000 người bán vé số dạo mất việc do tạm ngừng hoạt động xổ số kiến thiết với tổng kinh phí khoảng 9 tỷ đồng. Ngoài ra, TPHCM cũng đã mở đợt tấn công trấn áp tội phạm trong tháng 4 nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong đợt cao điểm phòng chống dịch và giãn cách xã hội.
Về đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngoài các chính sách của Chính phủ dự kiến ban hành, TPHCM đã chỉ đạo nghiên cứu 4 gói hỗ trợ cho kinh tế thành phố: gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân để cứu đói, giảm khó khăn; gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mất việc làm; gói bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm hàng hóa thiết yếu; gói hỗ trợ giảm khó khăn, tăng sức chịu đựng và khả năng phục hồi cho doanh nghiệp sau dịch.
Từ ngày 9-4, tổ chức test nhanh có kết quả trong 15 phút
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, tuần này, TPHCM sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp lớn để phòng chống dịch, gồm: Triển khai nhanh Nghị quyết của HĐND TP về chi hỗ trợ phục vụ công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch với kinh phí 2.700 tỷ đồng; Tập trung cho công tác dự phòng, trong đó trọng tâm là công tác tuyên truyền; Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch; Chú trọng việc thực hiện và hậu kiểm việc cách ly xã hội, đẩy mạnh hoạt động tuần tra giám sát, giải tán việc tụ tập quá 2 người ngoài phạm vi trường học, công sở, bệnh viện và nơi công cộng. Việc giám sát sẽ được đẩy mạnh trên toàn địa bàn thành phố.
Từ ngày 7-4, các cơ quan trên toàn địa bàn TP hạn chế tối đa các cuộc họp, nếu cấp bách thì họp trực tuyến và có sự đồng ý của người đứng đầu. Từ ngày 9-4, tổ chức test nhanh có kết quả trong 15 phút cho toàn bộ hành khách đến TPHCM; đồng thời triển khai giám sát trong cộng đồng và tầm soát mở rộng ở các khu vực có sự giao thương giữa TPHCM và các tỉnh thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ đầu mối.
TPHCM sẽ tiếp tục điều tra dịch tễ đối với các trường hợp liên quan đến bar Buddha, phấn đấu xử lý triệt để ổ dịch này trước ngày 25-4; đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người giao hàng tại nhà, không để xảy ra tác động kép là ngộ độc thực phẩm chồng lên dịch.
Đồng thời, TPHCM cũng sẽ đẩy mạnh việc giám sát chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với 290.000 lao động. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Liên đoàn Lao động TPHCM ở doanh nghiệp như tổ chức mua hàng thiết yếu tại siêu thị sau đó phân phối lại cho công nhân, người lao động với giá gốc để tránh tập trung đông người; công đoàn mua khẩu trang, nước sát khuẩn để phát miễn phí cho công nhân, người lao động..
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị 3 nội dung. Thứ nhất, Chỉ thị 16 của Thủ tướng quy định không tụ tập quá 2 người ngoài phạm vi trường học, công sở, bệnh viện và nơi công cộng. Để thực hiện nghiêm chỉ đạo này thì Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Thông tin - Truyền thông làm việc với chủ các các ứng dụng trực tuyến lớn như: Grab, TiKi, Now, Lazada... đề nghị miễn hoặc giảm mức phí giao hàng tại nhà, đẩy nhanh giao hàng nhanh trong vòng 1-2 giờ để hạn chế tối đa việc người dân ra khỏi nhà mua sắm hàng hóa. Thứ hai, tuy công tác chống dịch đạt kết quả bước đầu nhưng sẽ còn nhiều thách thức, không loại trừ việc mất dấu những ca nhiễm bệnh (F0) như khuyến cáo của các chuyên gia. Do đó để TPHCM chủ động trong công tác phòng chống dịch, chuẩn bị đẩy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân, kiến nghị Chính phủ ban hành danh mục các hàng hóa thiết yếu và các hàng hóa liên quan đến công tác phòng chống dịch để hạn chế hoặc cấm xuất khẩu. Thứ ba, từ thực tế vừa qua một số người dân TPHCM đến các địa phương khác bị cách ly 14 ngày và phải trả phí, TPHCM kiến nghị Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa các địa phương trong công tác phòng chống dịch và chỉ đạo thống nhất trong cả nước về công tác cách ly khi di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác. “TPHCM cam kết nỗ lực ở mức cao nhất để chung tay cùng cả nước để đẩy lùi dịch Covid-19”, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định. |