UBND TPHCM vừa có tờ trình gửi Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 của TPHCM.
Qua rà soát, toàn thành phố chỉ có quận 6 và huyện Nhà Bè thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp. Như vậy, cả thành phố không có quận, huyện nào phải thực hiện sắp xếp.
Đối với cấp xã có 129 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã thuộc diện sắp xếp, có 49 phường có yếu tố đặc thù nên không sắp xếp.
Trong số đó, 80 ĐVHC cấp xã thuộc 10 quận sau khi sắp xếp thành 38 phường.
Theo UBND TPHCM, việc sắp xếp ĐVHC góp phần tinh gọn bộ tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Tuy nhiên, do số lượng ĐVHC bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn này rất lớn. Do đó, dự báo công tác sắp xếp ĐVHC sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đặc thù các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM có diện tích tự nhiên rất nhỏ, nhưng quy mô dân số rất lớn, vượt nhiều so với quy định và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, nếu nhập 2 hoặc 3 ĐVHC thành 1 ĐVHC mới cũng không đạt tiêu chuẩn diện tích tự nhiên theo quy định.
Bên cạnh đó, sau sắp xếp, quy mô dân số và diện tích tự nhiên sẽ lớn hơn, khối lượng công việc nhiều hơn nhưng chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức không tăng. Tại các đơn vị lớn sau khi nhập, số lượng hộ dân lớn, nhưng cách thức vận hành cũ, chức năng, nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách không thay đổi trong trong điều kiện đô thị thay đổi thì mục tiêu của sắp xếp là nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước không cao.
Ngoài ra, việc sắp xếp số lượng lớn ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong thời gian rất ngắn, đặc biệt trong giai đoạn 2023 - 2025, là giai đoạn TPHCM đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Cùng với đó, thành phố cũng thực hiện nhiều chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 và hiện đang tiến hành sắp xếp lại khu phố, ấp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa những cơ chế, chính sách đặc thù vào thực tiễn, ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống chính trị ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, ảnh hưởng rất lớn đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp do phải điều chỉnh hàng loạt giấy tờ có liên quan.
Từ thực tiễn đó, TPHCM kiến nghị ngoài việc thực hiện đúng theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn phải phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Để bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, “không gây xáo trộn lớn” trong quá trình sắp xếp ĐVHC, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Nội vụ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho thành phố vận dụng 7 yếu tố đặc thù.
Thứ nhất, ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp, nhưng có địa giới đã hình thành ổn định và từ khi có Quyết định 300/QĐ-UB ngày 10-5 -1976 của UBND Cách mạng TPHCM về điều chỉnh thành phố còn 3 cấp đến nay, chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.
Thứ hai, ĐVHC nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ làm quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023 - 2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.
Thứ ba, ĐVHC đô thị cấp huyện, cấp xã có 2 yếu tố đặc thù sau đây thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 50% mức quy định đối với ĐVHC đô thị tương ứng. Cụ thể: Có di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận hoặc có di sản văn hóa vật thể được cấp có thẩm quyền xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Được xác định hoặc trực thuộc ĐVHC được xác định là trung tâm du lịch quốc gia hoặc quốc tế trong nhiệm vụ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ tư, ĐVHC cấp huyện trên địa bàn thành phố có hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định. Thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt từ 1.000 tỷ đồng trở lên thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.
Thứ năm, ĐVHC quận có từ 10 ĐVHC phường trực thuộc trở lên thì chỉ thực hiện sắp xếp một số phường, để đảm bảo sau khi sắp xếp đơn vị hành chính quận phải có tối thiểu 10 phường trực thuộc.
Thứ sáu, trong giai đoạn 2023 – 2030 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC cấp xã trực thuộc ĐVHC cấp huyện đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021.
Thứ bảy, không sắp xếp đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã liền kề mà sau khi sắp xếp thành đơn vị hành chính mới, khối lượng công việc của cán bộ, công chức tăng lên hơn 50% so với thời điểm trước khi sắp xếp ĐVHC.