Ngày 27-3, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với Thường trực UBND TPHCM về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TPHCM.
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; cùng đại diện các bộ, ngành trung ương và địa phương.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: CAO THĂNG |
Áp lực lớn về dân số
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, với quy mô dân số trên 10 triệu người, TPHCM đứng trước nhiều khó khăn về thực hiện nhiệm vụ giáo dục và y tế. Trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, đề án tự chủ trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa xã hội đã được triển khai. Sau dịch, công tác tự chủ vô cùng khó khăn do không có nguồn thu. Để hoàn thành mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi), TPHCM cần thêm 8.000 phòng học. Hiện nay, một số quận huyện còn tình trạng trường học trên 90 lớp, sĩ số hơn 50 học sinh/lớp, cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của ngành giáo dục.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, hiện nay việc phân bổ chỉ tiêu, biên chế nhân sự đều tính toán trên cơ sở hộ khẩu thường trú. Song, với nhiệm vụ của một thành phố lớn, đối tượng cần phục vụ trong thực tế không chỉ có diện thường trú mà còn bộ phận lớn dân nhập cư, vãng lai. Do đó, cần tính toán các nguồn lực, phân bổ các chỉ tiêu về quy hoạch, nhân sự dựa trên số liệu dân cư thực tế, tránh việc phá vỡ quy hoạch.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: CAO THĂNG |
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, bình quân mỗi năm TPHCM tăng thêm gần 200.000 dân, trong đó có khoảng 40.000 học sinh, TPHCM đang gánh trên vai trách nhiệm to lớn về chăm lo giáo dục, y tế, không chỉ cho người dân trên địa bàn mà còn từ các địa phương khác đến học tập, làm việc và sinh sống. Thực tế đang đặt ra nhiều thách thức, trong đó có kế hoạch dài hạn về bổ sung đội ngũ giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy học thực tế. Do đó, TPHCM kiến nghị được giao quyền chủ động ban hành các chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư và phát triển giáo dục.
Nâng chất đội ngũ giáo viên
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, việc tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo hình thức trực tiếp bị gián đoạn. Trong khi đó, chất lượng tập huấn trực tuyến bị hạn chế. Ở nhiều cơ sở, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu theo yêu cầu của chương trình mới. Một số thầy cô lúng túng khi triển khai dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, nhất là ở các môn tích hợp.
Từ thực tế đó, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đề xuất xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày, đồng thời cấp bù ngân sách chi trả lương cho giáo viên hợp đồng thỉnh giảng ở các vị trí việc làm không tuyển dụng được. Có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, tạo hành lang pháp lý cho các địa phương cấp bổ sung kinh phí cho cơ sở giáo dục.
Theo GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, ngành giáo dục cần đánh giá lại hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên cũng như khó khăn trong vấn đề phân công, phân nhiệm. Trên cơ sở dự báo nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng giáo viên trong giai đoạn tới, việc tính toán, phân bổ chỉ tiêu đào tạo không chỉ dựa trên năng lực đào tạo của các trường sư phạm, đặt hàng của các địa phương mà còn phụ thuộc bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là biến động của một thành phố lớn.
"Trước hàng loạt thách thức đặt ra khi triển khai chương trình phổ thông mới, TPHCM cần rà soát mạng lưới cơ sở trường học, hoàn thiện kế hoạch phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở so sánh với các thành phố phát triển trên thế giới để đạt mục tiêu nâng cao trình độ nhân lực chất lượng cao, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài tham gia góp sức cho ngành giáo dục"
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN