Từ điểm cầu tỉnh Bắc Kạn, ĐB Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM khóa X, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM khóa XIV, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công theo dõi chỉ đạo Đảng bộ TPHCM, phát biểu nhấn mạnh, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp TPHCM ra quyết định nhanh hơn, nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các quận, phường.
Về những băn khoăn khi không tổ chức HĐND quận, phường thì có đảm bảo dân chủ không, ĐB Nguyễn Thiện Nhân thông tin, so với 10 năm trước, ngoài cơ chế giám sát của HĐND, Đại biểu Quốc hội thì hiện nay TPHCM có thêm 4 cơ chế mới để tăng quyền giám sát của nhân dân.
Ngoài ra, TPHCM cũng thực hiện đô thị thông minh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Qua các kênh điện thoại, email, mỗi tháng các quận, huyện tiếp nhận, xử lý hàng ngàn tin báo từ người dân.
Hàng năm, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cũng rà soát và đồng bộ hóa nhiệm vụ giám sát, thanh tra và kiểm tra của các cơ quan gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, MTTQ và các đoàn thể, thanh tra của chính quyền cùng kiểm tra của Đảng. Sự đồng bộ hóa này giúp cho việc tiếp thu ý kiến người dân được chặt chẽ. “Thực tế là dân chủ không bị hạn chế mà còn thêm 4 cơ chế để phát huy”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, thành phố đang thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nghị quyết này phân cấp cho TPHCM quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện ngân sách… Do vậy, TPHCM sẽ không vướng về cơ chế tài chính khi tổ chức chính quyền đô thị. Và thực tế vừa qua, UBND TPHCM ủy quyền cho các sở, ngành, UBND quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TPHCM; Chủ tịch UBND TPHCM ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TPHCM. Qua đó, việc ra quyết định cũng nhanh chóng, kịp thời hơn.
Về tên gọi khi thực hiện đề án chính quyền đô thị, một số ý kiến cho rằng nên đổi thành “Ủy ban hành chính”. ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cách đây 2 năm khi Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội và Đà Nẵng đã thống nhất nơi nào không có HĐND thì vẫn gọi là UBND. Do vậy TPHCM cũng đề xuất tên gọi là UBND để đồng bộ, sau này khi 3 địa phương sơ kết thực hiện Nghị quyết sẽ báo cáo Quốc hội xem xét.
Cuối cùng, ĐB Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, dù Quốc hội cho phép TPHCM thực hiện chính quyền đô thị không “thí điểm”, nhưng trách nhiệm của TPHCM sau 3 năm thực hiện vẫn sơ kết, sau 5 năm sẽ tổng kết, nếu có nội dung chưa phù hợp thì kiến nghị Quốc hội sửa đổi.
Nội dung tờ trình này của Chính phủ sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận vào giữa tháng 11-2020.