Sáng 18-4, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM đã tổ chức sơ kết đánh giá tình hình thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học năm học 2017-2018.
Tại đây, ông Nguyễn Văn Gia Thụy, Phó phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, bắt đầu từ năm học 2012-2013, TPHCM triển khai dự án Bữa ăn học đường, trong đó cho ra đời bộ thực đơn dinh dưỡng dành riêng cho các trường tiểu học có tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn TP.
Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, đã có 117 trường tiểu học áp dụng toàn phần bộ thực đơn dinh dưỡng, chiếm tỷ lệ 43% tổng số trường có tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn TP.
Ngoài ra, có 32% đơn vị áp dụng một phần bộ thực đơn và 25% đơn vị chưa có điều kiện áp dụng. Bên cạnh đó, hầu hết các trường học đã nhận thức được tầm quan trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm, biểu hiện qua việc treo các áp phích, băng rôn tuyên truyền nội dung này tại lớp học hoặc qua bảng thông tin ở sân trường.
Việc triển khai bộ thực đơn chuẩn giúp đảm bảo yêu cầu về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thùy, chuyên viên Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, phần mềm hỗ trợ xây dựng thực đơn chuẩn đang triển khai thực hiện ở các trường học một mặt có thể hỗ trợ các trường quản lý chi phí mua nguyên liệu, nhanh chóng thiết kế thực đơn hoặc tìm thực phẩm thay thế nhưng mặt khác cũng còn nhiều hạn chế như chỉ có thực đơn bữa trưa, không có hướng dẫn tổ chức bữa ăn xế; tráng miệng đa phần là trái cây, chưa có các thành phần món ăn đa dạng khác như bánh plan, rau câu...
Ngoài ra, bộ thực đơn chuẩn được thiết kế với 100% bữa ăn gồm 4 món: cơm, thức ăn mặn, món xào và canh, không bổ sung các món như bún, phở, hủ tiếu để thay đổi khẩu vị cho học sinh.
Một số quận, huyện khác cũng nêu bất cập khi mức thu tiền ăn bán trú hiện nay quá thấp, đặc biệt ở các huyện ngoại thành, quận vùng ven, gây khó khăn cho trường học trong việc tổ chức và lựa chọn thực đơn đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng cho học sinh. Vì vậy thời gian tới, nếu áp dụng 100% bộ thực đơn dinh dưỡng, các trường kiến nghị UBND các quận, huyện tăng mức thu tiền ăn bán trú để đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng cho học sinh.
Theo ThS. Đoàn Thị Phương Lan, Trưởng khoa Sư phạm Cộng đồng, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (cơ sở TPHCM), hiện nay công tác triển khai thực đơn chuẩn chưa đồng nhất ở tất cả các trường, đội ngũ cấp dưỡng chưa được đào tạo kiến thức một cách đồng bộ nên còn lúng túng trong triển khai thực hiện.
Giải đáp những khó khăn đó, đại diện Sở GD-ĐT TP cho biết sẽ xem lại công tác phối hợp giữa các đơn vị, đồng thời cũng kêu gọi các địa phương đẩy mạnh quyết tâm thực hiện để việc triển khai đạt hiệu quả.
Theo kế hoạch đã được UBND TP phê duyệt, bắt đầu từ năm học 2018-2019, TPHCM sẽ có 6 quận gồm quận 3, 5, 8, 11, Tân Bình và Bình Thạnh thí điểm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học. Cụ thể, 6 quận thí điểm phải đảm bảo 100% trường học sử dụng nguồn thực phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.