Ngày 8-10, Văn Phòng UBND TPHCM cho biết, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có chủ trương chính thức cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3 (đoạn qua TPHCM). Trên cơ sở đó, UBND TPHCM sẽ đề nghị HĐND TPHCM thông qua việc tạm ứng ngân sách của TP để tiến hành ngay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ triển khai thủ tục và phương thức đầu tư dự án.
Theo Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long), dự án đường Vành đai 3 TPHCM gồm 3 đoạn: Tân Vạn - Nhơn Trạch với chiều dài 34,28km; Mỹ Phước - Tân Vạn (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) - Bến Lức (Long An) dài 48km.
Quy mô dự án giai đoạn 1 với 4 làn xe cao tốc, giai đoạn hoàn thiện tăng lên 6 - 8 làn xe cao tốc tùy theo đoạn.
Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) hơn 20.000 tỷ đồng. Tổng vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 10.697 tỷ đồng.
Về phương án đầu tư, CIPM Cửu Long kiến nghị đầu tư theo hình thức đối tác công tư có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Về công tác giải phóng mặt bằng (5.633 tỷ đồng), các địa phương xem xét hỗ trợ ứng trước phần kinh phí này để ưu tiên thực hiện chi phí giải phóng mặt bằng (trong đó TPHCM 2.939 tỷ đồng, Bình Dương 2.055 tỷ đồng, Long An 639 tỷ đồng), sau đó Nhà nước sẽ hoàn trả lại bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Dự kiến hoàn thành thiết kế kỹ thuật vào năm 2020.
Tuyến đường Vành đai 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và đã được điều chỉnh từ năm 2013. Theo quy hoạch, dự án đường Vành đai 3 đi qua địa phận các tỉnh, thành Đồng Nai, TPHCM, Long An, Bình Dương với chiều dài hơn 90km.
Đoạn 2: Mỹ Phước - Tân Vạn dài 16 km, hiện đang được tỉnh Bình Dương đầu tư.
Đoạn 3: từ Bình Chuẩn (Bình Dương) - Quốc lộ 22 (TPHCM) với chiều dài khoảng 17km, quy mô xây dựng là 6 làn xe.
Đoạn 4: Từ Quốc lộ 22 - đường cao tốc TPHCM - Trung Lương có chiều dài gần 30km với quy mô 8 làn xe.