Ngày 5-1, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, năm 2021, TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, dịch tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của kinh tế- xã hội. Nhờ sự chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ tích cực của MTTQ, các bộ, ban ngành, địa phương trong cả nước; sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trên địa bàn, cộng với việc triển khai đồng bộ toàn diện hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch, nên đến cuối tháng 9, tình hình dịch ở TPHCM đã cơ bản được kiểm soát.
Đến nay, TPHCM đã hoàn thành việc tiêm các mũi vaccine cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên, đang khẩn trương tiêm liều bổ sung cho các đối tượng theo quy định. Bên cạnh những nỗ lực phòng, chống dịch, TP đã tập trung các nguồn lực chăm lo an sinh xã hội, đã chi trên 12.000 tỷ đồng cho các đối tượng. TP đã chủ động ban hành chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2025, triển khai chiến lược y tế trên địa bàn TP.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, trong tuần gần đây, số ca nặng và ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn TPHCM giảm rất đáng mừng. Các hoạt động phục hồi kinh tế dần trở lại bình thường. Có thể nói, việc quyết định áp dụng một số biện pháp khẩn cấp; tăng cường lực lượng hỗ trợ kịp thời… là những nhân tố giúp cho TP vượt qua giai đoạn chống dịch khó khăn cũng như trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay. Trong chỉ đạo điều hành, TP luôn bám sát các nghị quyết, chương trình trọng tâm.
TP cũng đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, triển khai chính quyền đô thị, tập trung cao cho các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. TP đã đạt được những kết quả đáng mừng trong điều kiện khó khăn như thu ngân sách đạt trên 381.000 tỷ đồng, đạt 104,5% dự toán; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,23 tỷ USD, bằng 138,6% so với năm 2020; xuất khẩu tăng 2,8%; nhập khẩu tăng 24,9%; có 5/9 ngành, dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ.
TPHCM thống nhất cao và sẽ cụ thể hóa thực hiện chủ đề điều hành năm 2022 của Chính phủ, đó là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Năm 2022, TP phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5%; thực hiện đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM báo cáo Chính phủ 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ tập trung và cũng là những vấn đề kiến nghị với Trung ương quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thứ nhất, TP triển khai chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ phù hợp với thực tiễn của TP, trước mắt là tập trung giám sát và xử lý tốt biến thể mới. Triển khai thực hiện chiến lược y tế trên địa bàn với 6 giải pháp trọng tâm: Bao phủ vaccine, kiểm soát cảnh báo dịch bệnh, quản lý chăm sóc F0 tại nhà, điều trị F0 tại bệnh viện, truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi, nâng cao năng lực phòng chống dịch, nhất là năng lực của hệ thống y tế cơ sở. TPHCM kiến nghị Chính phủ sớm cho phép sản xuất và lưu hành rộng rãi thuốc kháng virus.
Thứ hai, triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và triển khai các chương trình phát triển kinh tế các lĩnh vực. TP đã ban hành chương trình phục hồi kinh tế gồm hai giai đoạn, giai đoạn 1 trong năm 2022, giai đoạn 2 từ 2023-2025. Trong đó, trong năm 2022 tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục lại sự gãy đổ của chuỗi sản xuất, giúp cho doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, nhất là doanh nghiệp ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.
Bày tỏ sự phấn khởi khi Quốc hội tổ chức phiên họp bất thường để quyết định các vấn đề quan trọng cấp bách, trong đó có gói hỗ trợ tài khóa và tín dụng, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Chính phủ cho TP nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn TP theo hướng bổ sung thêm ngân sách địa phương vào các gói hỗ trợ phù hợp. Đồng thời đề nghị các bộ ngành có liên quan sớm hướng dẫn thực hiện ngay khi được Quốc hội thông qua để các chính sách hỗ trợ tài khóa và tín dụng nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị gắn với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ có hiệu quả các nguồn vốn. TP sẽ tiến hành tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội về các cơ chế chính sách đặc thù để phát triển TP giai đoạn sau năm 2022; trình đề án thay Nghị định 93 của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TP. Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành một luật sửa nhiều lần tại kỳ họp Quốc hội bất thường này, TP đề nghị Chính phủ sớm hướng dẫn chi tiết sớm đưa các quy định vào cuộc sống. Trong đó TP đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nhất là các lĩnh vực phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép các khu đô thị, khu công nghiệp, tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi nội dung xây dựng. TPHCM đề nghị Trung ương quan tâm 11 nội dung sửa đổi Luật Đất đai mà TPHCM đã kiến nghị.
Thứ tư, tập trung nguồn lực để triển khai các dự án hạ tầng giao thông như như tuyến metro số 1, metro số 2, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Vành đai 3. TPHCM đề nghị Chính phủ sớm giao trách nhiệm cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, địa phương, hướng dẫn chọn hình thức đầu tư khả thi nhất, ưu tiên bố trí vốn để triển khai sớm xây dựng dự án Vành đai 3, bởi đây là công trình quan trọng cho vùng kinh tế phía Nam.
Thay mặt chính quyền và nhân dân TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan Trung ương, các địa phương bạn và nhân dân trong và ngoài nước đã đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ TP trong thời gian vừa qua. |