Sáng 26-4, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Sở Y tế, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) tổ chức Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông". Hơn 200 chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý trong trường học.
Mở đầu hội thảo, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trong bối cảnh xã hội bình thường mới sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà trường đã tổ chức trở lại hoạt động dạy học, nhu cầu về công tác tư vấn tâm lý (TVTL) cho học sinh trong trường học ngày càng tăng.
"Có thể nói, công tác TVTL cho học sinh cần được quan tâm sâu sắc nhiều hơn nữa không chỉ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà đây là vấn đề đã và đang được cả xã hội quan tâm", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.
Theo bà Cao Thị Thiên Phúc, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM, từ năm 2003, TPHCM đã bắt đầu có những hoạt động khuyến khích các hoạt động tư vấn trong trường học, tuy nhiên chưa có hành lang pháp lý và những quy định cụ thể nên việc triển khai còn nhiều hạn chế.
Năm 2008, UBND TPHCM đã có văn bản số 5344 (ngày 22-8-2018) về bổ sung biên chế giáo viên tư vấn trong trường học. Đặc biệt, đầu năm học 2012-2013, Quyết định về quy định tạm thời công tác tư vấn trường học trong trường phổ thông trên địa bàn TPHCM ra đời giúp các đơn vị trường học đẩy mạnh hơn công tác tư vấn.
Năm 2017, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 31 về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này. Tuy nhiên, tại khoản 1, điều 8, chương 2 về Điều kiện đảm bảo thực hiện công tác TVTL cho học sinh, đội ngũ thực hiện vẫn quy định là kiêm nhiệm, chưa có định biên cứng nhân viên TVTL trong nhà trường.
Trước thực tế này, ông Mai Hồng Thanh, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn kiến nghị cần có cơ chế chính sách thỏa đáng hơn cho giáo viên làm công tác TVTL.
Ở góc độ khác, cô Phạm Thị Kim Dung, giáo viên TVTL Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ bày tỏ, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần nâng cao, TVTL có vai trò quan trọng đối với học sinh từ bậc mầm non đến đại học.
Trong đó, đối với riêng bậc THPT, học sinh có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, quan hệ xã hội được mở rộng, gặp áp lực về thời gian học, băn khoăn về định hướng nghề nghiệp, bị chi phối bởi tình cảm khác giới, sử dụng mạng xã hội quá nhiều dẫn đến sao nhãng học tập.
Qua nhiều năm làm công tác TVTL, cô Phạm Thị Kim Dung bày tỏ, một giáo viên TVTL không thể một mình kham nổi 1.000 - 2.000 học sinh trong một trường học mà cần kết hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và các cộng tác viên là chính học sinh trong trường học để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh, đưa ra các giải pháp tư vấn linh hoạt.
Giáo viên này cho biết, hiện nay nhiều học sinh vẫn mang tâm lý ngại ngùng khi đến phòng tư vấn, ngay cả đội ngũ giáo viên trong trường cũng chưa hiểu hết về vai trò, chức năng của phòng TVTL.
Do chưa có chế độ, chính sách phù hợp nên nhiều trường hợp giáo viên TVTL bỏ việc, đi làm giám thị dù nhu cầu giáo viên TVTL đang thiếu.