Tăng rào cản kỹ thuật
Với khoảng 12 triệu dân, theo thống kê sơ bộ mỗi năm TPHCM cần khoảng 660.000 tấn gạo, 85.000 tấn đường, 210.00 tấn thịt heo, 130.000 tấn thịt gia cầm, 1 tỷ quả trứng gia cầm, 1 triệu tấn rau củ quả, 130.000 tấn thủy sản…
Trong những năm qua, thành phố đã xây dựng kênh siêu thị cung ứng nông sản an toàn nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu từ 15% - 20%. Nhưng đó cũng chính là nền tảng để TPHCM kích cầu các tỉnh thành cung ứng sản phẩm nông nghiệp cho thành phố theo hướng sản xuất an toàn.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, xác định: “Trước tiên, siêu thị tăng cường thêm rào cản kỹ thuật, như sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc (TXNG), thương hiệu, đóng gói bao bì... Tuy nhiên, siêu thị không tăng rào cản toàn bộ sản phẩm mà lần lượt từng mặt hàng, nhóm hàng. Để hàng hóa không an toàn không bị “đẩy” qua các siêu thị “dễ dãi”, thành phố vận động tất cả siêu thị tham gia, sau đó tiến tới chợ đầu mối; nếu sản phẩm không đạt theo tiêu chuẩn đặt ra, siêu thị sẽ từ chối nhận hàng. Cùng với đó, nhà nước đóng vai trò cầu nối. Điển hình, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp với tỉnh Đồng Tháp cùng định hướng lại tổ chức sản xuất, lựa chọn nhà cung cấp, kiểm soát sản xuất, hỗ trợ đầu tư, chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu; trong tháng 6, sở tiếp tục làm việc với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh… về việc này”.
Ở một phân khúc khác, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV - đơn vị quản lý chợ đầu mối Bình Điền, nhận định thí điểm chợ đầu mối dễ thực hiện hơn. Ông Nguyễn Phúc Khoa phân tích, với Đề án Quản lý nhận diện TXNG thịt heo, trứng và gia cầm, lúc đầu thí điểm thịt heo vào chợ có đeo vòng TXNG chỉ có 5% tổng sản lượng mỗi ngày. Chỉ cần nhà nước bắt buộc vào chợ phải có vòng TXNG và các đơn vị đồng loạt thực hiện thì tỷ lệ heo đeo vòng TXNG chiếm gần 100%.
Cùng ý tưởng, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, chia sẻ: “Mô hình chợ đầu mối nước ngoài cho trang trại, hợp tác xã (HTX) thuê ki-ốt bán những sản phẩm do mình sản xuất. Chợ đầu mối có nhiệm vụ kiểm soát chất lượng theo yêu cầu, giảm khâu trung gian”.
Theo PGS-TS Trần Tiến Khai - Trường ĐH Kinh tế TPHCM, phải hình thành chuỗi liên kết cung ứng tiêu thụ hiệu quả, bền vững giữa người sản xuất, doanh nghiệp chế biến và doanh nghiệp bán lẻ - đồng nghĩa cũng giải quyết tình trạng chất lượng sản phẩm bấp bênh, được mùa mất giá. PGS-TS Trần Tiến Khai cho hay, cần tăng cường TXNG nhằm kiểm soát nguồn cung chặt chẽ để không còn thực trạng sản phẩm kém chất lượng bị lẫn lộn trong quá trình kinh doanh.
Các tỉnh phải liên kết với TPHCM với hình thức vận động các hệ thống phân phối. Doanh nghiệp thành phố tham gia hỗ trợ các tỉnh thành xây dựng chuỗi giá trị hàng nông sản, với vai trò dẫn dắt hình thành chuỗi liên kết.
Bên cạnh đó, các tỉnh thành cung ứng sản phẩm nông nghiệp cho TPHCM phải có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, chế biến tại địa phương.
Doanh nghiệp cần gì?
Ở các tỉnh thành thường có quy mô sản xuất đơn lẻ, không liên kết hợp tác, thiếu đầu mối tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và sự không phân biệt giá sản phẩm của thương lái.
Đứng ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết siêu thị chỉ thực hiện vi mô là ký kết với doanh nghiệp, HTX, vùng trồng… sản xuất theo tiêu chuẩn đặt ra. Về phía nhà nước thực hiện vĩ mô đưa ra chủ trương để doanh nghiệp thực hiện thuận lợi.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, Giám đốc mua hàng của hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, kiến nghị Sở Công thương TPHCM kết nối với sở ngành các tỉnh thành để vận động các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX tiềm năng của địa phương kết nối với siêu thị; đó cũng là góp phần tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm cho địa phương.
“Trong bối cảnh TPHCM không còn quỹ đất, các doanh nghiệp chỉ có thể xây dựng trang trại, nhà máy tại các tỉnh lân cận và chủ yếu cung cấp sản phẩm cho thành phố. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ không hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố. Do đó, thành phố cần có chính sách riêng đặc thù trong nông nghiệp để thu hút doanh nghiệp đầu tư ra các tỉnh. Thực hiện tương tự như Chương trình bình ổn thị trường của TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp; sau này chương trình lan tỏa ra các tỉnh Long An, Đồng Nai… đã thay đổi sản xuất an toàn cho các địa phương này”, đại diện Công ty TNHH San Hà (SanHaFood) kiến nghị và cũng mong muốn có chính sách hỗ trợ vốn cho công ty xây dựng trang trại chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Long An, còn sản phẩm vẫn cung cấp cho thị trường TPHCM.
Với lợi thế TPHCM có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và chuyển giao công nghệ; còn các tỉnh thành có ít cơ hội hơn nên kỹ thuật, canh tác còn lạc hậu, ông Trương Chí Thiện, đề nghị: “Trước khi đặt rào cản kỹ thuật, TPHCM cần hỗ trợ công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân các tỉnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần triển khai thương mại điện tử, cũng là cách để quản lý chất lượng, liên kết với nhau tạo thành đơn hàng theo từng tỉnh nhằm thuận tiện trong vận chuyển”.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, trước khi sản xuất cần phải đưa thực phẩm an toàn vào giáo dục để làm sao người người dân, nhất là tạo nền tảng cho thế hệ trẻ hiểu được. Tiếp theo, nhà nước cần giám sát, hỗ trợ chính sách doanh nghiệp; đồng thời các doanh nghiệp cũng mở rộng nhiều kênh như sàn giao dịch điện tử, bán hàng trực tuyến…
Song song đó, hướng dẫn nông dân sản xuất an toàn và cũng đừng quan niệm “trồng an toàn thì chi phí sản xuất cao” mà quan trọng sử dụng vật tư nông nghiệp đúng cách.
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp TPHCMTrong thời gian qua, TPHCM tạo điều kiện hỗ trợ cho nông sản Long An vào siêu thị, chuỗi thực phẩm an toàn của thành phố. Tuy nhiên, số lượng nông sản được chứng nhận an toàn của Long An tham gia vào siêu thị của thành phố chưa nhiều, phần lớn tiêu thụ tại chợ đầu mối, chợ truyền thống. Từ đó, Sở NN-PTNT tỉnh Long An gặp rất nhiều khó khăn trong khuyến khích nông dân sản xuất. Để sản xuất nông nghiệp an toàn, TPHCM cần tiếp tục hỗ trợ, tăng rào cản kỹ thuật, quản lý chặt chất lượng nông sản tại các siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống mới cho vào thành phố, để vừa đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm vừa giảm áp lực cạnh tranh về giá. Về phía tỉnh luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp TPHCM đến đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa phương, hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng… Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Từng bước giúp tỉnh có sản phẩm an toàn Tỉnh Đồng Tháp với TPHCM đã ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm và đang giai đoạn thực hiện. Chỉ cần TPHCM phát tín hiệu đặt ra tiêu chuẩn an toàn khi vào siêu thị; mà tỉnh càng thuận lợi hơn khi khuyến khích nông dân vào hội quán, từ từ nâng lên HTX, hướng đến tạo thành cánh đồng mẫu lớn để liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo đặt hàng của siêu thị. Tuy nhiên, chi phí siêu thị vẫn còn khá cao nên doanh nghiệp không còn lợi nhuận. Bên cạnh đó, tỉnh kêu gọi xúc tiến giao thương, hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tạo thành mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Song song đó, tỉnh khuyến khích đầu tư vào các ngành khác để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Nhờ TPHCM tăng rào cản kỹ thuật mà từng bước giúp tỉnh có sản phẩm an toàn. Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh: Xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư Tỉnh Tây Ninh tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút doanh nghiệp đầu tư, nâng cao giá trị nông nghiệp nhằm phát huy thế mạnh của địa phương; đồng thời hướng tới thay đổi phương thức sản xuất. Trước tiên, tỉnh đưa ra chính sách phát triển vùng nguyên liệu, tín dụng, xúc tiến đầu tư… để giúp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đi vào các siêu thị, cung cấp cả vùng và gần nhất là TPHCM. Địa phương mong muốn các doanh nghiệp TPHCM hỗ trợ công nghệ cho nhà sản xuất ở tỉnh. QUÝ NGỌC (ghi) |