Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TP), sau 4 tuần triển khai dạy học trực tiếp đối với học sinh hai khối 9 và 12 và một tuần triển khai mở rộng đối với các khối 7, 8, 10 và 11, tỷ lệ học sinh đi học thực tế tại các quận, huyện đều trên 90%, có nơi đạt 98-99%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ khảo sát phụ huynh đồng thuận cho con đến trường trước đó (chỉ đạt từ 60-80%).
Lý giải thực tế này, đại diện Sở GD-ĐT TP cho biết, tỷ lệ học sinh đến trường tăng do việc triển khai các phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch của các cơ sở giáo dục, kết hợp việc tuyên truyền đối với học sinh, phụ huynh trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm của 3 tuần tổ chức dạy học trực tiếp trước đó.
Đây là một trong những dấu hiệu đáng mừng giúp các cơ sở giáo dục có thêm động lực và quyết tâm triển khai dạy học trực tiếp ngày càng tốt hơn, tăng thêm về số lượng học sinh nhưng vẫn đảm bảo các quy định về an toàn phòng chống dịch bệnh.
Cũng theo ông Trịnh Duy Trọng, tuần qua số lượng các ca F0 là học sinh, giáo viên được phát hiện trực tiếp tại trường học không tăng so với thời điểm chỉ triển khai thí điểm đối với hai khối 9 và 12 dù quy mô học sinh tăng thêm 3 lần (hai khối 7 và 8 ở bậc THCS và 10, 11 ở bậc THPT).
Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TP) lưu ý, hiện nay công tác phòng chống dịch tại các cơ sở trường học (phương án xử lý khi phát hiện F0, xác định đối tượng là F1…) vẫn tiếp tục thực hiện theo các văn bản hướng dẫn trước đó của liên Sở Y tế và Sở GD-ĐT TP đến khi có hướng dẫn mới.
Trong bối cảnh TPHCM nói riêng và một số tỉnh, thành khác trên cả nước đã xuất hiện biến thể mới, áp lực công việc đối với cơ sở y tế đã tăng thêm, dẫn đến việc phối hợp giữa hai ngành giáo dục và y tế có nơi và thời điểm không kịp thời. Vì vậy, trường học cần chủ động phối hợp với trạm hoặc trung tâm y tế trên địa bàn trú đóng để có hỗ trợ tốt nhất cho học sinh.
Hiện nay, khi quy mô học sinh đến trường tăng lên, việc đảm bảo mật độ học sinh trong trường học, đặc biệt đầu giờ vào học, giờ chơi và giờ ra về khó khăn hơn rất nhiều. Sở GD-ĐT TP đề nghị cán bộ quản lý, giáo viên các trường học quan tâm nhiều hơn đến việc đảm bảo mật độ và khoảng cách giữa học sinh trong thời gian sinh hoạt tại trường, nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang trong suốt quá trình dạy và học để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Sở GD-ĐT khuyến cáo các đơn vị trường học không sử dụng buồng khử khuẩn để khử khuẩn toàn thân cho học sinh hoặc các hệ thống phun sương bằng nước ion để sát khuẩn vì sẽ ảnh hưởng sức khỏe học sinh. Song song đó, việc tiêm vaccine mũi nhắc lại (mũi 3) cho cán bộ, giáo viên và thực hiện tiêm vét mũi 1, 2 đối với học sinh phải được các phòng GD-ĐT tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện đẩy nhanh thực hiện.
Ở góc độ chuyên môn, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP) khẳng định, hiện nay dù TPHCM cho phép triển khai dạy học trực tiếp đối với học sinh các khối 7, 8, 9, 10, 11 và 12 nhưng các trường THCS và THPT vẫn xác định rõ tinh thần kết hợp song song hai hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp từ đây đến hết năm học.
Trong đó, khi triển khai dạy học trực tiếp, trường học không tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh ngay mà phải dành thời gian rà soát lại tình hình, kết quả tiếp thu của học sinh, củng cố và bổ sung kiến thức trước khi tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1.
Đề kiểm tra học kỳ cần xây dựng ma trận đề phù hợp trình độ học sinh, không nên nâng độ khó đề kiểm tra, không để xảy ra tình trạng đề thi quá dễ hoặc quá khó. Với những trường hợp học sinh không đến trường vì lý do bất khả kháng, hiệu trưởng có quyền quyết định hình thức kiểm tra học kỳ phù hợp.
Riêng đối với học sinh khối 6, hiện nay chưa quy định kiểm tra học kỳ 1 trong giai đoạn từ ngày 10 đến ngày 22-1 như các khối 7, 8, 9, 10, 11 và 12. Tới đây, Sở GD-ĐT TP sẽ họp với đại diện các trường học, phòng GD-ĐT để có hình thức tổ chức kiểm tra học kỳ 1 phù hợp cho học sinh khối 6.
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP thông tin, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục làm việc với Sở Y tế để tham mưu UBND TPHCM kế hoạch tiếp tục mở rộng đối tượng học sinh đến trường đối với các bậc mầm non, tiểu học và lớp 6 từ sau Tết Nguyên đán năm 2022.
Theo báo cáo của các quận, huyện, toàn TP còn 3 địa phương là quận Gò Vấp, TP Thủ Đức và huyện Hóc Môn còn nhiều cơ sở giáo dục được trưng dụng phục vụ phòng chống dịch. Sở GD-ĐT đề nghị lãnh đạo phòng GD-ĐT các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục tham mưu UBND quận, huyện để có kế hoạch thu hồi hoặc hoán chuyển cơ sở giáo dục qua nơi khác nhằm chuẩn bị tốt hơn về cơ sở vật chất để đưa vào hoạt động phục vụ học sinh trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP khẳng định, dù số lượng ca mắc được phát hiện trong trường học tuần qua có xu hướng giảm nhưng không vì thế mà các trường học được phép chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Thay vào đó, trường học cần nâng cao cảnh giác với biến chủng mới, nghiên cứu các hình thức tổ chức học tập và sinh hoạt cho học sinh theo nhóm nhỏ để thuận tiện trong việc kiểm soát.
Đại diện Sở GD-ĐT nhấn mạnh, hiện nay không có bất kỳ quy định nào yêu cầu học sinh phải có chứng nhận âm tính mới được vào trường học. Các trường đảm bảo phương án phòng chống dịch nhưng không được “sáng tạo” thêm những quy định mới không có theo hướng dẫn chung của ngành y tế, tạo thêm áp lực cho phụ huynh, học sinh.