Theo đó, dự thảo Nghị quyết được xây dựng từ những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định không phù hợp thì cho làm thí điểm theo tinh thần các Nghị quyết và kết luận của Bộ Chính trị. Các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố phải không làm ảnh hưởng đến sự điều hành chung của Chính phủ và lợi ích của các địa phương khác, mà chủ yếu nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị TPHCM.
Xây dựng các cơ chế nhằm giải phóng các nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân, tham gia vào phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch của thành phố. Đặc biệt, theo dự thảo, không tăng tỷ lệ điều tiết của ngân sách chung về thành phố, mà xây dựng cơ chế tạo ra nguồn thu để tăng chi, nhất là chi cho đầu tư. Hình thành các cơ chế để thành phố có thêm nguồn thu cho ngân sách chi cho đầu tư phát triển, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Dự thảo Nghị quyết gồm 11 điều, trong đó 7 điều đề xuất cơ chế cụ thể về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; quản lý văn hóa - xã hội và trật tự xã hội; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cơ chế xây dựng phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM; cơ chế phân cấp phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính TP Thủ Đức.
UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM thay thế Nghị quyết 54 theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất.