Bà Phạm Thụy Mai Phương, chuyên viên Phòng Đấu thầu (Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM), nêu ý kiến, theo quy định của Luật Đấu thầu thì các hoạt động triển khai từ vốn ngân sách nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp phải thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên, các hoạt động thực hiện theo nguyên tắc thu đủ chi đủ, cơ sở giáo dục chỉ đóng vai trò trung gian thì không thuộc đối tượng đấu thầu.
Như vậy, chương trình nhà trường và nguồn cung cấp thực phẩm cho bếp ăn bán trú tại các trường học không thuộc đối tượng phải tổ chức đấu thầu nếu các khoản thu được thực hiện trên nguyên tắc thu đủ, chi đủ, thu bao nhiêu đều chi hết cho các hoạt động.
Cùng quan điểm, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM) cho rằng, các hoạt động phụ trợ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong nhà trường nếu thực hiện theo nguyên tắc thu đủ, chi đủ, không để kết toán dư thì không nằm trong các đối tượng phải tổ chức đấu thầu.
Tuy nhiên, Luật Đấu thầu khuyến khích các đơn vị tổ chức đấu thầu tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị nhằm mục đích công khai, minh bạch tài chính, đồng thời có lợi cho hoạt động giáo dục của nhà trường.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đơn vị, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, trường học không phải tổ chức đấu thầu đối với chương trình nhà trường, riêng căn tin và bãi giữ xe cần thực hiện đấu thầu một cách công khai, minh bạch.
Chương trình nhà trường không phải là chương trình bắt buộc, do đó tính tự nguyện phải được đặt lên hàng đầu. Nếu ở nơi nào xảy ra tình trạng chưa lấy ý kiến phụ huynh, chưa có sự đồng thuận về thực hiện chương trình nhà trường đã bố trí lớp, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.
Liên quan việc thực hiện chương trình nhà trường, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị hiệu trưởng phải xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn đơn vị thông qua hội đồng trường để đảm bảo hội đồng trường có thể giám sát bất cứ lúc nào việc thực hiện nghị quyết của hội đồng trường trong hoạt động chuyên môn.