Sáng 19-10, UBND TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế (TCQT) Cần Giờ.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Văn Mãi đánh giá đây là hội nghị quan trọng nhằm lắng nghe ý kiến các đại biểu để hoàn thiện đề án nghiên cứu Cảng TCQT Cần Giờ, để TP có báo cáo chuẩn bị chi tiết hơn.
Hiệu quả lớn nhất nhưng hậu quả ít nhất
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, thời gian qua UBND TPHCM đã phối hợp với các cơ quan tổ chức chuẩn bị kỹ các bước quy trình. Vì TP ý thức xây dựng Cảng TCQT Cần Giờ là vùng “nhạy cảm” về bảo vệ tài nguyên môi trường và trong mối quan hệ vùng, nên cân nhắc nghiên cứu kỹ lưỡng và đạt kết quả mới trình dự thảo đề án cho Chính phủ. Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ của TP, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách chỉ đạo TP có nghiên cứu giải trình và tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhiều góc nhìn để quyết định thực hiện đề án.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đánh giá đây là hội nghị quan trọng nhằm lắng nghe ý kiến các đại biểu để hoàn thiện đề án nghiên cứu Cảng TCQT Cần Giờ. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh, việc nghiên cứu dự án Cảng TCQT Cần Giờ hay bất kỳ dự án nào cũng hướng tới mục tiêu phát triển TP, phát triển vùng, phát triển cho đất nước và hướng đến sự phát triển bền vững. TP không đánh đổi mọi giá để thực hiện dự án mà cân nhắc lợi ích hài hòa về lợi ích phát triển, tài nguyên môi trường, phát triển bền vững, không xem xét đơn thuần hiệu quả đầu tư tài chính mà đặt trong xu hướng phát triển chung của TP, theo vùng, theo đất nước.
Việc cân nhắc lựa chọn để yên hay phát triển các dự án đều có sự đánh đổi, nhưng sự đánh đổi đó mang lại hiệu quả lớn nhất với hậu quả ít nhất, nên TP mong lắng nghe ý kiến sâu sắc của đại biểu tại hội nghị này.
“Thường trực Thành ủy và UBND TP nhận thức, đây là việc lớn và tiến hành thận trọng, cần cân nhắc kỹ lưỡng, nên TP luôn muốn lắng nghe đại biểu góp ý trong suốt quá trình hoàn thiện, triển khai, để tiếp thu thực hiện, để TP đóng góp cho sự phát triển của đất nước”- Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết.
Các chuyên gia, nhà khoa học nhất trí cao triển khai dự án. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Du Lịch khẳng định, xây dựng cảng Cần Giờ không được "đụng" vào rừng sinh quyển Cần Giờ. Phải hài hòa cụm cảng trong vùng vì lợi ích quốc gia chứ không vì địa phương cạnh tranh, xung đột lợi ích lẫn nhau. Về kết nối hệ thống giao thông từ cảng vào bên trong Cần Giờ, cần phải nghiên cứu kỹ những tác động ở giai đoạn sau năm 2030 .
Sớm hoàn thiện đề án trình Chính phủ
Thứ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đánh giá rất cao trong việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhằm hoàn thiện đề án trước khi trình Chính phủ. Trong quá trình hoàn thiện, cần đặt cảng trong nhóm cảng biển số 4 gồm TPHCM, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, nằm trong hệ thống cảng biển Quốc gia, cảng biển Quốc tế.
Trong đề án cần xem xét kỹ cơ sở số liệu, đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh quy hoạch tổng thể. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ đề án, cập nhật quy hoạch, quy trình trình tự thủ tục hồ sơ đề xuất đầu tư. TPHCM phối hợp tư vấn hoàn thiện ý kiến đóng góp của các chuyên gia hoàn thiện hồ sơ đề án, sớm hoàn thiện lần cuối để trình Thủ tướng.
Theo Đề án, việc nghiên cứu xây dựng cảng TCQT Cần Giờ nhằm hình thành cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế tại cù lao Ông Chó, huyện Cần Giờ, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ cũng như Nghị quyết số 12-NQ/TU của Thành ủy TPHCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.
Cảng TCQT Cần Giờ không chỉ có ý nghĩa về lợi ích của cảng biển, mà còn nâng cao được lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đối với khu vực và thế giới, tạo sự hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI.
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ |
Cảng TCQT tại Cần Giờ nằm đối diện với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện tại, là khu cảng có vị trí thuận lợi để thực hiện trung chuyển quốc tế. Vị trí cảng gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực, có nhiều lợi thế và thuận lợi cho phát triển hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics.
Đồng thời cảng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế. Vị trí cảng TCQT tại Cần Giờ rõ ràng là tối ưu cho cả trung chuyển nội địa và trung chuyển quốc tế, có vị trí lý tưởng đối với các tuyến thương mại chính và nằm giữa Singapore và Hongkong (Trung Quốc), do đó rất thuận lợi cho việc trung chuyển quốc tế.
Khi phát triển một trung tâm trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp đến thị trường Bắc Mỹ và châu Âu có thể trung chuyển tại Cần Giờ thay vì tại các cảng trung chuyển quốc tế khác của châu Á. Do vậy, Việt Nam có thể hưởng lợi từ chính các cơ hội thương mại mới bổ sung này.