Ngày 14-1, Sở Y tế TPHCM tổ chức Hội nghị Tổng kết hành trình 30 năm phòng, chống HIV/AIDS và cơ hội kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 tại TPHCM.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, hiện ước tính có khoảng 5.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện, trong đó khoảng 30% là người có tải lượng virus cao, có nguy cơ lây bệnh cho người khác. Đây là một trong những thách thức của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn hiện nay.
Bắt đầu từ năm 1990, sau khi trường hợp nhiễm HIV của Việt Nam được phát hiện đầu tiên tại TPHCM, đến nay, cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS tại TP đã trải qua 30 năm với các giai đoạn cam go.
Cụ thể, từ năm 1990 đến năm 2000, TP kiềm chế tốc độ phát triển của đại dịch bằng các hoạt động truyền thông giáo dục nhằm nâng cao kiến thức của người dân để tự bảo vệ mình trước hiểm họa và xây dựng các mô hình dự phòng lây nhiễm HIV. Kết quả đã giảm tỷ lệ nhiễm HIV trên nhóm nghiện chích ma tuý từ 42,3% (năm 1995) xuống còn 18,6% (năm 1998).
Giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, các mô hình dự phòng lây nhiễm HIV được bước mở rộng trên toàn địa bàn, cùng với việc đưa vào sử dụng thuốc kháng virus HIV (ARV) tạo điều kiện thuận lợi cho TP mở rộng các chương trình dự phòng và chăm sóc điều trị.
Đến nay, TP đã có 145 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, 24 cơ sở điều trị Methadone, điều trị cho khoảng 5.400 bệnh nhân. Ngoài ra, chương trình chăm sóc hỗ trợ người tái hoà nhập cộng đồng, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… cũng được triển khai hiệu quả, góp phần kéo giảm đáng kể số lượng người nhiễm mới trong cộng đồng.
Giai đoạn từ 2010 đến 2020, TP thực hiện kiểm soát đại dịch với nhiều chiến lược như: Triển khai điều trị ngay khi có kết quả xét nghiệm, đột phá về chính sách và công nghệ xét nghiệm HIV; điều trị ARV cho người nhiễm HIV; chương trình phòng chống trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao (gọi tắt là PrEP)...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, một trong những thách thức hiện nay của TP là đối tượng nguy cơ hiện nay đã thay đổi, phần lớn là những người có vị trí xã hội rất khó tiếp cận và yêu cầu tính bảo mật cao, điều này cũng là thách thức lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của TP.
“Thời gian tới, ngoài các biện pháp đã và đang thực hiện, để tiến tới chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, trong thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung vào những người nguy cơ cao bằng cách đẩy mạnh các dịch vụ dự phòng, tăng cường xét nghiệm, điều tra, truy vết nhằm chặt đứt chuỗi lây truyền trong cộng đồng, hướng đến xây dựng và thực hiện mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và mục tiêu 99-99-99 nhằm kết thúc đại dịch vào năm 2030”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho hay.
Đánh giá cao những thành tựu mà TPHCM đạt được trong 30 năm qua, PGS-TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho rằng, TP là "điểm sáng" của cả nước trong việc huy động được hệ thống chính trị, toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Tuy nhiên, là đô thị phát triển với mật độ dân số cao, TPHCM vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là sự gia tăng người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), tỷ lệ nhiễm mới hàng năm vẫn còn cao so với các địa phương khác trên cả nước.
Do đó, TPHCM cần có những chiến lược đúng và trúng đối với từng đối tượng nguy cơ, huy động thêm các nguồn lực xã hội và đặc biệt huy động sự tham gia của cộng đồng người nhiễm HIV để họ trở thành "hạt giống" kết nối những người nhiễm HIV khác đến với các dịch vụ điều trị và kết nối những người có nguy cơ cao đến với các dịch vụ dự phòng.