Tham dự buổi khen thưởng có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Lê Văn Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM.
Theo đó, tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020, các cơ quan báo chí của TPHCM có 5 tác phẩm được trao giải.
Cụ thể, 2 giải B gồm: Tác phẩm “Nhiễu loạn thông tin thời công nghệ 4.0 và cuộc chiến chống lại tin giả”, nhóm tác giả Dương Thị Kim Thanh (Kim Thanh), Nguyễn Thị Bích Thảo (Bích Thảo) của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM; loạt bài “Tư liệu Hoàng Sa - Hành trình trái tim” nhóm tác giả Thái Bá Dũng, Phạm Chí Quốc của Báo Tuổi Trẻ.
1 giải C được trao cho tác phẩm “Thế giới ảo, độc tố thật” của tác giả Trần Bình (Trần Lưu) của Báo Sài Gòn Giải Phóng. 2 giải Khuyến khích được trao cho tác phẩm “Hành động để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam” của nhóm tác giả Trần Thị Thu Hà, Ngô Bích Quyên của Báo Sài Gòn Giải Phóng; tác phẩm “Khi “tấm khiên” chống bão miền Trung tả tơi” của nhóm tác giả Hồ Ngọc Minh (Thuận Hóa), Lê Đình Dũng, Uông Thị Bích Ngọc (Uông Ngọc) của Báo Phụ nữ TPHCM.
Để kịp thời động viên khen thưởng các tác giả, nhóm tác giải thuộc các cơ quan báo chí TPHCM đoạt Giải Báo chí Quốc gia, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quyết định khen thưởng bổ sung 25 triệu đồng cho tác phẩm đoạt giải B, 17,5 triệu đồng cho tác phẩm đoạt giải C và 7,5 triệu đồng cho tác phẩm đoạt giải Khuyến khích.
Dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM biểu dương, khen thưởng cho 10 tác phẩm báo chí hay của các cơ quan báo chí Trung ương viết về TPHCM, với mức thưởng 15 triệu đồng/tác phẩm.
Tại buổi lễ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê chúc mừng các tác giả và nhóm tác giả đoạt Giải Báo chí Quốc gia và được nhận khen thưởng, chúc các tác giả tiếp tục nuôi dưỡng đam mê nghề nghiệp và gặt hái nhiều thành công trong thời gian tới. Đồng chí mong các nhà báo luôn rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, để "mắt sáng - lòng trong - bút sắc", xứng đáng là những nhà báo của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ các phóng viên, nhà báo có thêm nhiều tác phẩm hay, đóng góp tích cực cho sự phát triển của TPHCM.
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, trong những năm qua, các cơ quan báo chí của TPHCM và các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn TP đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, của Thành ủy, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và TPHCM thân thiện, hòa bình, hữu nghị đến với bạn bè thế giới. Báo chí đã tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, các biểu hiện chưa lành mạnh trong xã hội, tích cực tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình và cách làm hay, tấm gương người tốt - việc tốt.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đặc biệt là từ tháng 5-2021, tại TPHCM, dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Cùng với lực lượng tuyến đầu, các tình nguyện viên, các cán bộ công chức, đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí đã không quản gian khổ, hy sinh, nguy hiểm, sẵn sàng có mặt kịp thời tại những "điểm nóng" như các "ổ dịch”, các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến… để thuật lại những câu chuyện đầy nhân văn, bắt kịp từng khoảnh khắc để có những bức ảnh sống động, hay ghi lại những thước phim giàu cảm xúc, qua đó, thực hiện sứ mệnh cao cả của người làm báo.
Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, thời gian qua, báo chí TPHCM đã luôn thể hiện sự định hướng rất tích cực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Đó là kịp thời phản ánh các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và TPHCM về công tác phòng chống dịch, phê phán những biểu hiện thiếu lành mạnh trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời, kịp thời phản ánh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong hoạt động phòng chống dịch và chăm lo an sinh đến người dân, trong đó có các y bác sĩ, lực lượng vũ trang, các tình nguyện viên…; giới thiệu các sáng kiến, cách làm hay trong các hoạt động có liên quan; làm lan tỏa những câu chuyện nhân văn, những hình ảnh cảm động về công tác phòng chống dịch…
Trong trạng thái bình thường mới, báo chí đã tích cực thông tin các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các biện pháp phục hồi kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Trong quá trình đó đã có hàng chục phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và TPHCM mắc Covid-19, có một số trường hợp tử vong; điều đó cho thấy mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nhưng cũng toát lên tinh thần xả thân, cống hiến của các phóng viên. “Chúng ta vô cùng trân trọng và tri ân những sự đóng góp và hy sinh đó”, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh.