Chiều 6-5, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH).
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Luật PCCC-CNCH mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một luật rất quan trọng và yêu cầu đặt ra trong xây dựng luật là để thực hiện hiệu quả công tác PCCC-CNCH, đặc biệt là ở một đô thị lớn như TPHCM.
Ở góc độ đơn vị nghiệp vụ, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07), Công an TPHCM đánh giá, việc ban hành mới Luật PCCC-CNCH trong thời gian tới là rất cần thiết và cấp bách. Đáng chú ý là việc đưa vào luật mới nội dung cứu nạn, cứu hộ nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn.
Góp ý cụ thể, theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, khoản 3 điều 42 của dự án luật (quy định về nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC-CNCH cơ sở, chuyên ngành) cần điều chỉnh thành "tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi cơ sở, địa bàn quản lý; các cơ sở, địa bàn khác khi có yêu cầu".
Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) đề xuất bổ sung “pháp nhân” để tương thích với các Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự hiện hành và nhiều luật khác. Luật sư cũng nhấn mạnh việc có thêm chương về cứu nạn cứu hộ trong luật là thể hiện sự phát triển và cần thiết.
Việc cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 đối với dự án Luật PCCC-CNCH được Quốc hội bổ sung vào chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7 theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.