Nỗ lực “bình thường hóa”
Sáng 18-1, tại Hội nghị trực tuyến về công tác chuẩn bị đón học sinh tiểu học trở lại trường, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, các trường THCS và THPT có thời gian “khởi động” ở một khối lớp (trường THCS thí điểm tổ chức đối với khối 9 và THPT thí điểm ở khối 12) để nhà trường thích ứng công tác tổ chức trước khi mở rộng thêm các khối lớp khác. Trong khi đó, ở bậc tiểu học, nếu đề xuất của Sở GD-ĐT được thông qua, đồng nghĩa các trường tiểu học sẽ dạy học trực tiếp ngay nhiều khối lớp, không có thời gian thí điểm.
Bên cạnh đó, nếu như đối tượng học sinh trung học đã được tiêm vaccine Covid-19, có kỹ năng và nhận thức tốt hơn về phòng chống dịch thì học sinh tiểu học ở độ tuổi nhỏ hơn, chưa được tiêm vaccine, kỹ năng và ý thức phòng chống dịch chưa thuần thục. Thực tế này đặt ra cho các nhà trường độ thử thách cao hơn trong tổ chức dạy học.
Tuy nhiên, lợi thế của các địa phương là sau hơn một tháng triển khai dạy học trực tiếp ở bậc trung học, công tác phân công và phối hợp phòng chống dịch đã nhuần nhuyễn. Nếu UBND TPHCM thông qua đề xuất mở rộng đối tượng học sinh đến trường ở bậc mầm non và tiểu học, công tác nhân sự có thể ưu tiên cho 2 bậc học này.
Đại diện Sở GD-ĐT lưu ý, các trường cần nỗ lực “bình thường hóa” hoạt động căn tin, bếp ăn tập thể, bán trú và nội trú để phục vụ học sinh, vì đây là nhu cầu thực tế của người học.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Mai Thị Hồng Hoa bày tỏ, nếu mở rộng đối tượng học sinh đến trường, áp lực đối với các cơ sở giáo dục khá lớn, do nhiều nơi ở các quận nội thành cơ sở vật chất còn nhỏ hẹp. Nhiều trường chưa có nhân sự chuyên trách y tế nên ban giám hiệu và giáo viên phải kiêm nhiệm.
Cô Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), cho biết, toàn trường hiện có 46 học sinh đang ở tỉnh, thành khác chưa trở lại TPHCM, 2 trường hợp xin rút học bạ chuyển về quê và 12 học sinh đang cách ly theo dõi do xác định là F0.
“Trong tình hình nhân sự hạn chế, học sinh chưa thể đến trường 100%, dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc đảm bảo chất lượng dạy học. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường vẫn tăng cường lực lượng bảo mẫu làm công tác vệ sinh, hỗ trợ đón và trả học sinh đảm bảo quy định giãn cách nên sẽ tiếp tục khó về kinh phí chi trả cho đội ngũ”, cô Hạnh nói.
Theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), hầu hết học sinh tiểu học hiện nay chưa sử dụng điện thoại di động nên mọi thông tin liên lạc và yêu cầu phối hợp đều thông qua phụ huynh. Trước thực tế đó, đại diện Sở GD-ĐT đề nghị trường học tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ học sinh và học sinh kỹ năng, thói quen phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn khi trở lại trường học.
Lấn cấn kiểm tra cuối học kỳ
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết nếu chủ trương của thành phố là tổ chức đi học theo tinh thần tự nguyện của học sinh, tức sẽ có một bộ phận học sinh chưa đến trường. Hiện nay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh không thể đến trường vì lý do bất khả kháng sẽ được kiểm tra định kỳ theo hình thức trực tuyến, thay cho hình thức trực tiếp tại trường. Tuy nhiên, đối tượng học sinh chưa đến trường do phụ huynh chưa yên tâm không thể xem là lý do bất khả kháng.
“Ở bậc THCS, chúng tôi đang triển khai theo hình thức gom chung học sinh không đến trường học trực tiếp thành một lớp, tổ chức cho những em này học trực tuyến theo thời khóa biểu của một lớp đang học trực tiếp tại trường. Như vậy, hình ảnh và nội dung của buổi học trực tiếp sẽ thông qua thiết bị công nghệ truyền đến học sinh tự học tại nhà với thời lượng và nội dung y như học trực tiếp. Hình thức này có thể tiếp tục triển khai ở bậc tiểu học”, đại diện Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp đề xuất.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất Sở GD-ĐT có quy định cụ thể hơn về hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá cuối học kỳ 1 đối với học sinh chưa thể đến trường. Giải đáp băn khoăn này, bà Lâm Hồng Lãm Thúy cho biết, trong giai đoạn đầu tổ chức dạy học trực tiếp, chắc chắn sẽ có bộ phận học sinh chưa thể tham gia học trực tiếp. Vì vậy, các trường buộc phải tổ chức song song 2 hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến cho các nhóm đối tượng học sinh, không thể áp dụng một hình thức chung cho tất cả trường vì mỗi đơn vị có đặc thù khác nhau.
Linh động tổ chức dạy và học theo cấp độ dịch |