Ngày 25-11, Hội Nông dân TPHCM tổ chức lễ khai mạc Chợ phiên nông sản năm 2023 tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thành phố (138 đường HT13, phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM).
Cắt băng khai mạc Phiên chợ nông sản 2023 |
Tại chợ phiên, hội viên nông dân và các đơn vị tham gia đã giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm, tiếp cận thêm thông tin, công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đây cũng là cầu nối giúp nông dân và nhà sản xuất nông sản của thành phố đến với người tiêu dùng; kết nối nhà sản xuất - doanh nghiệp - nhà phân phối. Qua đó, góp phần phát huy vai trò của Hội Nông dân TPHCM trong xúc tiến thương mại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành phố theo hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị.
Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Thanh Xuân tham quan các gian hàng |
Theo Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân TPHCM Nguyễn Văn Lượng, chợ phiên có sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân các tỉnh thành, đem đến cho người dân các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, giá thành phải chăng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường.
Có gian hàng tại chợ phiên, bà Vân (Hợp tác xã nông dược Thiên Lộc) cho biết, hợp tác xã hiện trồng và chế biến các loại nông sản sạch tại tỉnh Quảng Nam như: bột rau, bột ngũ cốc, trà thảo dược, viên tỏi đen, dầu gội, tinh dầu... Theo bà Vân, hiện nay hợp tác xã có 5 sản phẩm OCOP, được canh tác và chế biến đạt chuẩn, hướng tới sức khỏe người tiêu dùng. Bà Vân mong muốn TPHCM tổ chức thêm nhiều phiên chợ nông sản để người dân biết đến và tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp sạch chưa được bày bán ở chợ, siêu thị.
Các gian hàng trưng bày sản phẩm đa dạng, phong phú, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng |
Đến với chợ phiên nông sản 2023, bà Linh (Hợp tác xã văn hóa ẩm thực Chơ Ro) cho biết, hợp tác xã đang phân phối các loại nông sản như: miến, măng, nấm hương rừng, chẩm chéo, trà diếp cá... từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là các sản phẩm từ thiên nhiên, được bà con dân tộc thiểu số trồng, sơ chế hoặc thu gom trực tiếp từ rừng về. Bà Linh cũng mong muốn qua chợ phiên, hợp tác xã có cơ hội đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, ngon, hợp túi tiền; qua đó ủng hộ và giúp bà con khó khăn ở miền núi có thêm thu nhập.