Đến tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TPHCM; Trương Thị Ánh, nguyên Thành ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TPHCM…
Cùng dự có đại diện các sở ban ngành, đại diện Quận ủy - UBND quận 8; đại diện các tỉnh thành: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng, Tiền Giang, Huế, Kon Tum và đông đảo người dân thành phố, du khách quốc tế.
Trước khi bắt đầu chương trình, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc, đã dẫn đầu đoàn đại biểu tham quan các gian trưng bày, triển lãm, của TPHCM và các tỉnh thành bạn trên tuyến đường Nguyễn Văn Của (quận 8).
Sau các tiết mục ca múa nhạc chào mừng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy đã thực hiện nghi thức đánh trống khai mạc Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” Tết Ất Tỵ 2025.
Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” là một trong 19 sự kiện lễ hội, nghệ thuật, văn hóa tiêu biểu của TPHCM, được Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn thành phố tổ chức hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán.
Hoạt động chợ hoa đã được duy trì gần 50 năm qua tại Bến Bình Đông (quận 8), là nét văn hóa đặc trưng riêng của TPHCM trong mỗi dịp tết đến, xuân về, là nơi giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các vùng miền, một điểm đến du lịch ấn tượng, địa điểm kinh doanh hoa, cây kiểng, trái cây, đặc sản vùng miền, góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, như một nét riêng, độc đáo của TPHCM, đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng lãm, mua sắm của người dân, du khách trong và ngoài nước.
Chợ hoa xuân năm nay đem đến một không gian đầy sắc màu và hương vị tết đặc trưng, với điểm nhấn đặc biệt là sự tái hiện sinh động khung cảnh ngày tết truyền thống của miền sông nước Nam bộ. Hình ảnh những chiếc ghe thuyền chở đầy hoa mai, cúc vàng, vạn thọ... không chỉ gợi lên không khí xuân tràn ngập mà còn là biểu tượng của sự sôi động, nhộn nhịp trong đời sống chợ tết ngày xưa.
Chợ hoa năm nay có 689 điểm kinh doanh, gồm 634 gian hàng hoa kiểng và 55 gian hàng trái cây, rau củ, đáp ứng nhu cầu mua sắm và thưởng ngoạn của người dân và du khách gần xa.
Tại Chợ hoa xuân có còn nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, sinh hoạt văn hóa phong phú, đa sắc. Trong đó có gian nhà chung trưng bày các sản phẩm đặc trưng vùng miền trên tuyến đường Nguyễn Văn Của và Bến Bình Đông, với sự tham gia của các đơn vị đến từ 12 tỉnh, thành, nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản, thủ công mỹ nghệ, nông sản chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa của từng vùng miền.
"Đường hoa Nghĩa tình" do Sở Du lịch TPHCM thiết kế, trang trí trước khu vực nhà cổ, là công trình văn hóa du lịch giàu ý nghĩa với 6 cụm tiểu cảnh: Cổng chào - Trên bến dưới thuyền - Xuân Ất Tỵ 2025, Năm Ất Tỵ 2025, Chợ Bến Thành, Tái hiện Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ, Tuần lễ Trái cây quận 8, Cầu khỉ - Thuyền hoa.
Tại Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” Tết Ất Tỵ 2025 còn có rất nhiều hội thi thú vị được tổ chức sôi nổi như: sáng tác ca khúc và bài vọng cổ chủ đề Du xuân “Trên bến dưới thuyền”, thi ảnh nghệ thuật lần thứ 12 - Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền”, thi viết thư pháp chữ Việt Nét bút mừng xuân, thi Chích chòe đất hót múa đón xuân, trang trí Nhà hoa, trang trí Xe đạp hoa từ vật liệu tái chế...
Mỗi đêm, tại sân khấu chính của Chợ hoa xuân có các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn luân phiên các loại hình: ca nhạc, kịch, tuồng cổ, tấu hài, cải lương, đờn ca tài tử...
Riêng chương trình nghệ thuật Đờn ca tài tử trên 2 ghe bầu dọc theo tuyến kênh Tàu Hủ, sẽ biểu diễn liên tục từ tối 24-1 (nhằm ngày 25 tháng Chạp âm lịch) đến tối 27-1 (28 tháng Chạp âm lịch), nhằm giới thiệu, quảng bá đến người dân Thành phố loại hình nghệ thuật dân gian Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.