Sáng 8-1, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Trong khó khăn vẫn có nhiều điểm sáng
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đầu năm 2021, trên cơ sở quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy, HĐND TP, UBND TP bắt tay xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 với biến thể Delta đã tác động nghiêm trọng đến tất cả lĩnh vực của TP. Việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chủ đề năm diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn, thách thức và chưa từng có tiền lệ.
Thứ nhất, về công tác phòng, chống dịch Covid-19, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát từ cuối tháng 9; đến nay, TPHCM đã cơ bản hoàn thành việc tiêm liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên và đang khẩn trương tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho các đối tượng theo quy định…
Thứ hai, về thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, mặc dù bị ảnh hưởng rất nhiều do tác động của làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 nhưng vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng trân trọng và ghi nhận.
Cụ thể, về xây dựng chính quyền đô thị, TP đã hoàn thành việc sắp xếp các phường, thành lập TP Thủ Đức theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thành công bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó thực hiện không tổ chức HĐND cấp quận, phường theo quy định của Nghị quyết số 131 và Nghị định số 33.
Về cải thiện môi trường đầu tư, TP đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) trong tình hình dịch bệnh Covid-19; Tổ công tác theo dõi, chỉ đạo hoạt động các Tổng Công ty 100% vốn nhà nước; Nhóm công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI... Các Tổ công tác đã giúp tháo gỡ nhanh chóng, thực chất khó khăn cụ thể của các DN; đồng thời chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của TP.
Thứ ba, về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong điều kiện vô cùng khó khăn của dịch bệnh, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 381.531 tỷ đồng, đạt 104,5% dự toán năm 2021. Hoạt động tín dụng - ngân hàng tăng trưởng ổn định, đóng góp một phần cho tăng thu ngân sách nhà nước. Kim ngạch nhập khẩu ước tăng 12,9% so với cùng kỳ. Đầu tư FDI đạt 7,23 tỷ USD, tăng 38,48% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ (năm 2020 đạt 5,22 tỷ USD).
Một sự kiện quan trọng giúp cho TP có thêm nguồn lực phát triển là việc Quốc hội thông qua mức ngân sách giữ lại cho TP năm 2022 là 21%.
3 vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, thực tiễn cho thấy, TPHCM vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức; bên cạnh những hệ quả về kinh tế - xã hội, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ ra 3 vấn đề lớn TP cần đặc biệt quan tâm.
Một là vấn đề quản trị TP trong tình hình mới, nhất là sự bất cập về cơ cấu kinh tế - cơ cấu lao động - phân bố dân cư - nhà ở - việc làm - hệ thống đảm bảo an sinh - xã hội và môi trường sống… Hai là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành đồng bộ công tác quản trị TP. Ba là từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng TP trong tương lai. |
“Đây là những vấn đề lớn, đòi hỏi TP phải có những giải pháp mang tính đột phá, với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, phù hợp cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung ương mới có thể từng bước khắc phục được”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM xây dựng chủ đề năm 2022 là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN”. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần XI; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, TP xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với 19 chỉ tiêu, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) đạt 6% - 6,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP.
Đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, để vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm 6,78% năm 2021 đạt được mức tăng trưởng năm 2022 từ 6% - 6,5% và tạo đà tăng trưởng bình thường như trước đại dịch là thách thức bao trùm đối với kinh tế TP. Song việc đặt chỉ tiêu GRDP tăng trưởng từ 6% - 6,5% thể hiện quyết tâm cao của TP, của lãnh đạo TP, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022. Điều này đòi hỏi TPHCM phải giữ vững thành quả chống dịch, phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP trong năm 2022.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, vấn đề rất quan trọng để đạt được các mục tiêu của năm là nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện và nâng cao hiệu lực - hiệu quả của chính quyền cơ sở; mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành DN, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, nhất là ở các lĩnh vực: tài nguyên môi trường, xây dựng, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, thuế; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cấp chính quyền.
“Nếu chúng ta xác định an toàn phòng chống dịch là điều kiện cần thì cải thiện và nâng cao hiệu lực - hiệu quả của chính quyền cơ sở; mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân là điều kiện đủ”, đồng chí khẳng định.
Trong đó, tập trung làm rõ hơn, đánh giá sâu hơn, bổ sung cụ thể hơn vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022 TP đề ra, các giải pháp khắc phục tình trạng tăng trưởng âm của một số ngành, lĩnh vực năm 2021. Đồng thời, thảo luận về 3 chuyên đề gồm: Về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế; Về tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị; Cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN, nhằm khắc phục được những hạn chế, tạo được sự đột phá, hiệu quả cao nhất trong quá trình triển khai thực hiện.