TPHCM kêu gọi người dân, doanh nghiệp chung tay thực hiện chủ đề năm 2024

 Chiều 4-1, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Sở TT-TT TPHCM họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải và Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì họp báo
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải và Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì họp báo

Nhiều hoạt động chăm lo tết

Tại họp báo, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Huỳnh Lê Như Trang thông tin, TPHCM dành hơn 915 tỷ đồng để chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 (tăng hơn 34 tỷ đồng so với Tết Quý Mão 2023). Trong đó, chủ yếu do tăng đối tượng chính sách có công, cán bộ hưu trí, diện người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội.

Điểm mới trong công tác chăm lo Tết Nguyên đán 2024 là TPHCM thăm, tặng quà 65 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, các hội quỹ; 12 đơn vị, tổ chức là đối tác cùng đồng hành hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ, trẻ em và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, TPHCM tổ chức các buổi họp mặt cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ trí thức, gia đình chính sách tiêu biểu. Tổ chức 43 đoàn lãnh đạo thành phố đi thăm, chúc tết và tặng quà cho các cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cơ sở cách mạng, gia đình chính sách tiêu biểu, gia đình có con em đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, hộ nghèo, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

1-ba-huanh-la-nh-trang-pha-giam-a-a-c-sa-lao-a-a-ng-thng-binh-va-xa-ha-i-1-6795.jpg
Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM thông tin tại họp báo

Về tình hình trả lương, trả thưởng cho người lao động trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, qua tổng hợp thông tin tại 1.289 phiếu khảo sát của doanh nghiệp cho thấy, tiền thưởng Tết Dương lịch năm 2024 bình quân khoảng 4,7 triệu đồng/người, cao hơn so với kết quả khảo sát của năm 2023 (3,2 triệu đồng/người). Tiền thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 bình quân khoảng 12,3 triệu đồng/người (năm 2023 là 12,8 triệu đồng/người).

Có 599 doanh nghiệp (chiếm 46,47%), ngoài tiền thưởng tết còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động như tặng quà tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón về quê ăn tết, tổ chức tất niên và thăm hỏi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê trong dịp này.

Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH thông tin thêm, dự kiến có khoảng 25.000 - 29.000 vị trí công việc có nhu cầu tuyển lao động phục vụ dịp tết. Nhu cầu nhân lực trước Tết Nguyên đán tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 69,58%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 30,10%.

Sau Tết Nguyên đán năm 2024 cần từ 48.971 - 57.471 chỗ làm việc. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các ngành, lĩnh vực như: dệt may - da giày; dịch vụ lưu trú và ăn uống; chế biến thực phẩm; nhựa - cao su. Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,56%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,66% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,78%.

Dịp Tết Giáp Thìn 2024, Thành đoàn TPHCM cũng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp tổ chức thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách...

Trong đó, Thành đoàn TPHCM vận động kinh phí, tổ chức thăm hỏi, trao tặng ít nhất 22.000 phần quà; hỗ trợ ít nhất 2.000 lượt vé xe miễn phí cho sinh viên, học sinh và 1.500 lượt vé xe, 200 vé tàu miễn phí cho thanh niên công nhân về quê đón tết; giới thiệu ít nhất 10.000 việc làm cho thanh niên, sinh viên, học sinh, thanh niên công nhân bị mất việc, giảm thu nhập nhân dịp tết…

Tập trung thực hiện chủ đề năm 2024

Thông tin về chủ đề năm 2024 của TPHCM, đại diện Sở Nội vụ cho biết, mục đích TPHCM chọn chủ đề “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội” nhằm triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời, thúc đẩy TPHCM phát triển bền vững, góp phần giữ vững vai trò đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, là cực tăng trưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Cùng với đó, tăng cường quán triệt, truyền thông sâu rộng, nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị trong việc xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng yếu và có tính đột phá. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 98/2023/QH15.

7-a-ai-a-ia-n-sa-na-i-va-8222.jpg
Đại diện Sở Nội vụ TPHCM thông tin tại họp báo

Để thực hiện thắng lợi chủ đề năm, TPHCM đã đặt ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể. TPHCM kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư triển khai các dự án đã được HĐND TPHCM thông qua để cụ thể hóa cơ chế chính sách của Nghị quyết 98. Trong đó có các dự án như: các dự án nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu, đường phố chính đô thị, đường trên cao theo hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT); đầu tư dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với lĩnh vực thể thao và văn hóa, y tế, giáo dục.

Ngoài ra, nghiên cứu, chủ động chuẩn bị để tham gia đầu tư khi có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM tại Điều 7 Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

Các doanh nghiệp cùng tổ chức xã hội tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, thúc đẩy khởi nghiệp; tập hợp, liên kết, hợp tác, hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp TPHCM phát triển bền vững; khuyến khích doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, chung tay vì cộng đồng; tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu.

Tin cùng chuyên mục