Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các doanh nghiệp Pháp. Ảnh: KIỀU PHONG |
Ngày 27-6 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Pháp, đoàn đại biểu cấp cao TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, làm trưởng đoàn, đến thăm và làm việc với Hội đồng Doanh nghiệp Pháp - Việt Nam (MEDEF).
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng tháp tùng đoàn.
Tham gia cùng đoàn có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM; Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ; Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng; Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương; Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao; Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM; cùng một số đồng chí lãnh đạo ban, ngành, địa phương của TPHCM.
Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố sau khi kiểm soát đại dịch Covid-19.
Lãnh đạo TPHCM trao đổi với ông François Corbin, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Pháp - Việt Nam (MEDEF). Ảnh: KIỀU PHONG |
Cụ thể, thành phố tập trung thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, đi đôi với cải thiện hạ tầng và phát triển đô thị theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng, đô thị xanh, đô thị thông minh, phát triển hài hòa nông thôn và đô thị. Trong đó, việc quy hoạch phát triển kinh tế dịch vụ ven Sông Sài Gòn là một trong những ưu tiên.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, Việt Nam và Pháp có mối quan hệ sâu sắc về lịch sử và văn hóa. Trong 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược, hai nước đã cùng nhau xây dựng cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại, đến văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân. Lãnh đạo hai bên đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao và duy trì mối quan hệ chính trị khăng khít.
Hiện nay, Pháp là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng bình quân trên 15%/năm trong giai đoạn năm 2011-2020. Sau đại dịch Covid-19, trao đổi thương mại song phương đang phục hồi tích cực, đạt 5,3 tỷ USD năm 2022.
Đồng chí cũng chia sẻ, TPHCM là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Với dân số hơn 14 triệu người, gần 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 1/3 số doanh nghiệp cả nước), tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, thành phố là một thị trường hết sức tiềm năng.
Sau khi kiểm soát đại dịch Covid-19, TPHCM tập trung thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, đi đôi với cải thiện hạ tầng và phát triển đô thị theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng, đô thị xanh, đô thị thông minh, phát triển hài hòa nông thôn và đô thị. Trong đó, việc quy hoạch phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn là một trong những ưu tiên.
Thay mặt Hội đồng Doanh nghiệp Pháp, ông Francois Corbin, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Pháp - Việt Nam (MEDEF), đại diện đặc biệt của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp trong quan hệ kinh tế với các nước ASEAN nhận xét, thị trường Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng và chiến lược tại khu vực châu Á. Các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đến thị trường Việt Nam vì họ thấy ở đó nhiều cơ hội để cùng phát triển.
Ông bày tỏ ấn tượng về việc Việt Nam đã thực hiện các bước đi mở cửa và cải cách dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng đáng khích lệ. Đáng chú ý là bất chấp tác động đáng kể của Covid-19 đến các hoạt động kinh tế, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Những đặc điểm nội tại này khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.
Các doanh nghiệp Pháp bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước, đồng thời mong muốn Chính phủ Việt Nam và TPHCM cùng hỗ trợ và tạo điều kiện để hợp tác, kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí cởi mở, với sự chủ động trao đổi, thảo luận của hai bên. TPHCM đã giới thiệu về mục tiêu phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn. Đó là việc đang tập trung hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch, định hình một số giải pháp về cơ chế tài chính, đất đai, khuyến khích và tạo điều kiện hợp tác công - tư. Trước mắt là ưu tiên triển khai chương trình cải tạo, chỉnh trang hành lang sông khu vực trung tâm thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ.
Giai đoạn 2025-2045, thành phố tập trung triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp hoạt động dịch vụ, du lịch và kinh tế, nhằm phát huy tối đa giá trị dòng sông.
Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ, chuyến thăm lần này của của đoàn là mong muốn học tập kinh nghiệm quy hoạch bờ sông Seine và thu hút đầu tư phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn.
Đồng chí cũng đề nghị MEDEF phối hợp kết nối doanh nghiệp Pháp có nguyện vọng đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của bờ sông Sài Gòn hoặc tham gia các dự án tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật có liên quan.
Lãnh đạo TPHCM cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Pháp đến đầu tư và tham gia hoạt động kinh doanh tại thành phố. Cùng với đó, TPHCM cũng sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để chào đón các doanh nghiệp của Pháp đến đầu tư tại thành phố.
Sông Sài Gòn dài 256 km và đoạn chảy qua TPHCM dài 80 km, có vai trò và giá trị đặc biệt đối với thành phố, tựa như Sông Seine ở Paris.
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế dịch vụ ven Sông Sài Gòn, TPHCM đã ban hành Đề án Quy hoạch phát triển bờ kè sông và kinh tế dịch vụ sông, đồng thời tổ chức Hội thảo quy hoạch, phát huy tiềm năng và lợi thế Sông Sài Gòn và lấy ý kiến rộng rãi cả trong giới chuyên gia, nhà khoa học và người dân.