Sáng 23-11, “Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2018” với chủ đề “ Kiến tạo Đô thị sáng tạo, Tương tác- vài trò động lực của doanh nghiệp” do UBND TPHCM tổ chức đã khai mạc với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại TPHCM; các tổ chức tài chính quốc tế; doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Tiến sĩ San Andres, Trưởng dự án Nghiên cứu TP bền vững và phát triển đô thị, Cơ quan hỗ trợ Chính sách thuộc APEC cho rằng, GDP phù hợp để đo lường các sản phẩm hữu hình nhưng không phù hợp với các dịch vụ số; công nghệ số sẽ nâng cao năng suất lao động nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh rất gắt gao về nguồn lực lao động.
GS Nagata đến từ Đại học Tsukuba cho biết, nhắc đến “Thành phố khoa học Tsukuba” là nói đến toàn bộ khu vực của TP Tsukuba bao gồm hai quận chính “Quận nghiên cứu và giáo dục” là quận được thiết kế và phát triển tổng thể kết hợp các tổ chức nghiên cứu và giáo dục với khu nhà ở và cơ sở cộng cộng nói chung. Nơi đây có ít nhất 30% các viện nghiên cứu công của Nhật Bản, khiến Tsukuba trở nên rất quan trọng đối với Nhật Bản một trong những quốc gia hàng đầu về khoa học và công nghệ.
Phát biểu tổng kết, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, qua một ngày với phiên toàn thể và 4 phiên thảo luận đã làm rõ về: giải pháp nâng cao năng lực sáng tạo và hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp; giải pháp nâng cao hệ sinh thái sáng tạo - khởi nghiệp và vai trò của các doanh nghiệp lớn; giải pháp tăng cường quan hệ liên kết, tương tác giữa doanh nghiệp - cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường - chính quyền trong quá trình xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao và các giải pháp thúc đẩy kế hoạch xây dựng khu phía Đông TP thành khu đô thị sáng tạo - tương tác cao. Qua phát biểu của các diễn giả và tham luận có thể khẳng định, chủ trương của lãnh đạo TPHCM xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông TP là phù hợp với đặc điểm của TP và xu hướng phát triển kinh tế tri thức của thế giới. Thông qua diễn đàn, TP đã thu hoạch được nhiều bài học quan trọng, đặc biệt từ việc quản lý phát triển các thành phố sáng tạo, khu đô thị sáng tạo tại 6 quốc gia, đó là tại Nhật Bản, Phần Lan, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Israel.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận định, diễn đàn đã làm rõ những nhân tố có liên quan đến việc sự hình thành và phát triển của khu đô thị sáng tạo, đó là các đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tài chính, Chính phủ và chính quyền địa phương, đặc biệt là những người dân sinh sống tại đó. Diễn đàn cũng làm rõ chiến lược phát triển cho TPHCM từ kinh nghiệm phát triển của các nước. Thông qua các diễn giả, các bài tham luận được trình bày đã giúp nhận ra tầm quan trọng của tính cạnh tranh của các TP sáng tạo và làm rõ những hướng giải pháp đã được triển khai ở các TP sáng tạo này như: việc hình thành các thể chế sáng tạo vừa thí nghiệm tại các thành phố sáng tạo, hình thành một không gian sống đáng sống và chất lượng sống cao 24 giờ ngày và 365 ngày/năm. Đó là cần hình thành những khu vực sống bền vững và ngày càng phát triển, trong đó khuyến khích kinh tế chia sẻ.
Một vấn đề khá mới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, diễn đàn cũng làm rõ việc số hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong hàng chục năm qua, hiện nay đã mở ra những cơ hội mới về việc làm, phương thức kinh doanh và phát triển. Việc hình thành hệ thống cảm biến của cuộc sống thực được số hóa tạo nền tảng cho việc truyền thông tin số hóa, lưu trữ thông tin số hóa và xử lý thông tin số hóa, làm cho quá trình vận chuyển xử lý thông tin được diễn ra với tốc độ cao, hiệu quả cao và làm cơ sở cho việc tác động trở lại thông qua không gian thực và không gian ảo. Đây là cơ hội để hình thành những lĩnh vực mới việc làm mới như dữ liệu lớn và khoa học về dữ liệu.
Việc nghiên cứu của đơn vị hỗ trợ chính sách APEC cũng chỉ ra rằng, trong thời kỳ kinh tế số đòi hỏi những việc làm mới như kỹ năng căn bản về nhận thức, khả năng đọc viết, khả năng tính toán, và đây là những kỹ năng mà người lao động Việt Nam có thế mạnh. Những kỹ năng chuyên sâu của những nghề nghiệp đòi hỏi mức trang bị kỹ thuật cao thì có thể được chuyển đổi dễ dàng giữa các vị trí việc làm khác nhau. “Đây là câu trả lời, chúng ta có năng lực để bước vào kinh tế số hay không? Thông qua diễn đàn, chúng ta còn nhận ra nhiều cơ hội để TPHCM từ chính quyền TP, các đơn vị khoa học, các doanh nghiệp, các chuyên gia có thể hợp tác với các đối tác nước ngoài ở các quốc gia khác nhau, cũng như các đối tác trong nước và chính là kết quả quan trọng nhất của hội thảo”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân kết luận.
Phát biểu trước diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, cách tiếp cận đối với xây dựng chính sách và chiến lược phát triển đô thị thì TPHCM là đơn vị đi đầu trong việc gợi mở, bàn bạc và có giải pháp chung đối với vấn đề có tầm quan trọng hết sức lớn lao này. Bản thân TPHCM vốn là một đầu tàu, động lực kinh tế của cả nước, đóng góp đến 30% GDP, 23% tổng thu ngân sách của cả nước, do đó chiến lược, tầm nhìn, công cụ và chính sách phát triển đô thị thì TPHCM cũng có vai trò đi đầu và dẫn dắt cả nước. |