Về cơ bản, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng, vì kênh phân phối bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ và phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn. Theo dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ nâng tỷ lệ lên 45%, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, số trung tâm thương mại cũng tăng lên trên 300 và cửa hàng tiện ích tăng lên đến hàng chục ngàn cửa hàng...
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, riêng tại TPHCM, số lượng doanh nghiệp khu vực bán lẻ tăng trưởng bình quân 10,87%/năm, đã góp phần làm tăng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng thương mại (số lượng chợ chiếm 2,8%, siêu thị chiếm 22%, trung tâm thương mại chiếm 23% cả nước). Đến nay, TP đã phát triển được 239 chợ, 216 siêu thị, 44 trung tâm thương mại và 2.065 cửa hàng tiện lợi.
Từ nay đến cuối năm 2018, Sở Công thương TPHCM tiếp tục triển khai quy hoạch ngành thương mại; tiến hành đồng bộ hóa tiêu chuẩn chất lượng nông sản ở 3 chợ đầu mối - nơi đang cung cấp 80% hàng nông sản cho TP, cùng với tiêu chuẩn đưa hàng vào siêu thị, kênh phân phối hiện đại. Mặt khác, đẩy mạnh triển khai việc sơ chế nông sản ở các tỉnh, thành đang phân phối tại 3 chợ đầu mối của TP tiến tới truy xuất nguồn gốc hàng nông sản, kiểm soát dư lượng chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản… trong nông sản khi vào chợ. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao của người dân, để cung ứng cho các cơ sở bán lẻ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu.
Một giải pháp khác cũng sẽ được tiến hành đồng bộ là xây dựng hệ thống thông tin, phân tích dự báo thị trường trong nước nhằm phục vụ quản lý điều hành và truyền thông cho doanh nghiệp và người dân, trong đó xây dựng hệ thống thu thập thông tin, dự báo thị trường các sản phẩm thiết yếu.