Dự kiến, thời gian hoàn thành tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2022-2023 sẽ trước ngày 31-7-2022. Các ngày nghỉ lễ được thực hiện theo quy định của Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hàng năm của Trung ương và TPHCM.
Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chủ động chỉ đạo việc dạy bù, dạy học trên internet đối với các trường hợp phải tạm dừng việc dạy học (vì lý do thiên tai, dịch bệnh...), đảm bảo thời gian thực học theo quy định.
Năm học 2021-2022, học sinh TPHCM sẽ nghỉ Tết Âm lịch bắt đầu từ ngày 29-1-2022 (tức 27 tháng Chạp âm lịch) đến hết ngày 6-2-2022 (mùng 6 tháng giêng âm lịch).
Khi TPHCM kiểm soát tốt dịch bệnh, các cơ sở giáo dục dần được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng, chống dịch, ngành giáo dục và đào tạo sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, tranh thủ cho khối lớp 1, 2, các lớp đầu và cuối cấp chia nhỏ lớp để học trực tiếp, các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại.
Trường hợp việc học trực tuyến kéo dài, TPHCM sẽ tính toán tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài thêm năm học, nhất là cho các lớp 1, 2 và đầu cấp để đảm bảo chương trình và kết quả học tập.
Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, phương án bắt đầu năm học 2021 - 2022 khối phổ thông và thường xuyên cụ thể như sau:
- Các trường THCS và THPT, kể cả giáo dục thường xuyên tổ chức lớp, hướng dẫn kĩ năng, phương pháp học tập trên internet và củng cố kiến thức. cho học sinh từ ngày 1 đến ngày 5-9-2021. Từ ngày 6-9-2021, các trường giảng dạy chương trình năm học mới.
- Đối với các trường tiểu học, từ ngày 8 đến ngày 19-9-2021, các trường tổ chức lớp, hướng dẫn kĩ năng, phương pháp học tập trên internet và củng cố kiến thức cho học sinh. Từ ngày 20-9-2021, các trường giảng dạy chương trình năm học mới.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực UBND TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên xây dựng kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo phương án tổ chức dạy và học chương trình năm học mới trên môi trường internet đến hết học kỳ I, nhất là với các khối lớp 1, lớp 2, đầu cấp và cuối cấp.
Các địa phương (TP Thủ Đức và các quận, huyện) kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, tùy theo tình hình cụ thể, chủ động báo cáo, đề xuất việc tổ chức dạy và học trực tiếp ngay trong học kỳ I năm học 2021 - 2022 khi có đủ điều kiện.
Ngành giáo dục sẽ chủ động phối hợp với ngành y tế rà soát việc tiêm ngừa vaccine của giáo viên (chưa chích ngừa, đã chích ngừa 1 mũi/2 mũi), tổ chức tiêm vaccine đầy đủ cho lực lượng giáo viên, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, xây dựng các phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và nhà giáo khi đi học trở lại trên cơ sở các hướng dẫn của ngành y tế về phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.
Đối với công tác tuyển sinh vào lớp 10 chuyên và không chuyên của trường chuyên, do tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM diễn biến phức tạp, không thể tổ chức vòng thi tuyển như những năm trước, TPHCM đã quyết định điều chỉnh phương thức tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2021 - 2022 từ thi tuyển qua xét tuyển.
Trong đó, TPHCM đã vận dụng khoản 34, điều 1 Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT về tổ chức tuyển sinh trường THPT chuyên với 2 vòng: Vòng 1, sơ tuyển để chọn học sinh tham gia thi tuyển; Vòng 2, có nội dung “Kết quả tham gia các hoạt động xã hội, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của địa phương, toàn quốc, khu vực và quốc tế” và giao “Cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên quy định cách thức quy ra điểm và mức sơ tuyển cần đạt của các tiêu chí”.
Trong quá trình tuyển sinh lớp 10 chuyên, Sở GD-ĐT TPHCM nhận thấy, việc thay đổi phương án tuyển sinh là giải pháp tình thế, do điều kiện không thể tổ chức thi tuyển vì tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến hết sức phức tạp, được căn cứ trên các quy định hiện hành, phù hợp với thực tiễn và thực hiện được mục tiêu đề ra trong việc lựa chọn các học sinh có năng lực học chuyên.
Ngoài ra, các tiêu chí xét tuyển đều căn cứ trên các bộ môn tương đồng với môn thi, bộ môn chuyên và tiêu chí khuyến khích trên kết quả kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, TPHCM, là các kỳ thi được tổ chức công bằng, nghiêm túc, khách quan, phản ánh niềm đam mê, sự tập trung đầu tư bài bản cho môn chuyên mà học sinh lựa chọn.
Tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường, lớp chuyên năm học này của các trường THCS có truyền thống giảng dạy tốt tương đương với các năm học trước, không có sự thay đổi đột biến.
Tuy nhiên, việc thay đổi phương án từ thi tuyển sang xét tuyển tác động đến tâm lý lo lắng của một số phụ huynh. Ngoài ra, việc lựa chọn theo phương án xét tuyển có thể chưa phát hiện hết các học sinh có năng khiếu so với việc tổ chức thi tuyển. Thêm vào đó, việc tổ chức tuyển bổ sung theo quy định vào cuối học kỳ I năm học 2021 - 2022 khó có thể tổ chức do tình hình dịch bệnh.
Do vậy, để nâng cao hơn nữa sự đồng thuận của xã hội cũng như bổ sung thêm nguồn học sinh có năng lực cho quá trình đào tạo học sinh giỏi của TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM đã trình Thường trực UBND TPHCM cho phép xét tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu được giao, đồng thời bổ sung thêm 10% chỉ tiêu tuyển sinh các lớp chuyên, lớp không chuyên trong trường chuyên năm học 2021 – 2022 trên toàn TPHCM.
Trong trường hợp số lượng xét tuyển vượt quá số học sinh chuyên theo quy định là 35 học sinh/lớp, các em được tuyển bổ sung sẽ không được hưởng chính sách tài chính của các học sinh chuyên.
Các trường chuyên, trường có lớp chuyên tổ chức kiểm tra, sàng lọc các học sinh trong lớp chuyên mà không có khả năng học chương trình chuyên vào cuối năm lớp 10 để đảm bảo nguồn học sinh có chất lượng.
Tương tự như tuyển sinh vào lớp 10 chuyên, công tác tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng phải điều chỉnh từ phương án khảo sát sang phương án xét tuyển.
Trong quá trình thực hiện xét tuyển, do đa phần học sinh đăng ký tuyển sinh có kết quả học tập xuất sắc, có 1.560 học sinh đạt 60 điểm tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn Tiếng Việt – Toán lớp 3, 4, 5, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh là 525 học sinh, gây khó khăn cho công tác sàng lọc.
Trong khi đó, Sở GD-ĐT TPHCM nhận thấy cần bổ sung việc xem xét điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý lớp 4, 5 nhằm phù hợp với yêu cầu đánh giá năng lực toàn diện của học sinh.
Đồng thời, việc thay đổi phương án tuyển sinh tác động ít nhiều đến tâm lý của các phụ huynh có con đăng ký tuyển sinh lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Việc lựa chọn theo phương án xét tuyển có thể chưa phát hiện hết các học sinh có năng khiếu so với việc tổ chức thi tuyển.
Từ thực tế đó, Sở này đã trình Thường trực UBND TPHCM cho phép điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh từ 525 tăng lên 600 học sinh, đồng thời điều chỉnh phương án xét tuyển gồm:
Điểm xét tuyển = (Tổng điểm kiểm tra định kì cuối năm lớp 3, 4, 5 các môn Tiếng Việt và Toán) + (Tổng điểm kiểm tra định kì cuối năm lớp 4, 5 các môn Khoa học và Lịch sử - Địa lý).
Trường hợp các thí sinh có Điểm xét tuyển bằng nhau và vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh thì xem xét thêm tổng điểm tiêu chí bổ sung về ngoại ngữ và tin học.