TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn |
* PHÓNG VIÊN: Hội đồng Tư vấn có điều gì đặc biệt, thưa ông?
* TS TRẦN DU LỊCH: TPHCM muốn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội đi vào cuộc sống đòi hỏi phải có sự đầu tư trí tuệ, nguồn lực lớn. Hội đồng Tư vấn ra đời thể hiện rõ tinh thần của lãnh đạo TPHCM trong việc tập hợp trí tuệ, lắng nghe hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Hội đồng Tư vấn khá đặc thù. Hội đồng có cơ quan thường trực là Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM làm đầu mối cung cấp thông tin cho các thành viên để đưa ra tham vấn, góp ý kiến sát thực tiễn hơn. Mục tiêu, nhiệm vụ của hội đồng rất rõ ràng, đó là tham vấn cho lãnh đạo TPHCM triển khai có hiệu quả nghị quyết.
* Có ý kiến cho rằng, hội đồng gồm 25 thành viên là quá ít?
* Đây chỉ mới là các thành viên làm đầu mối, nòng cốt. Muốn tập hợp được trí tuệ, hội đồng cần phải mở rộng, huy động nhiều hơn các nguồn lực trong và ngoài nước. Lãnh đạo TPHCM đã thấy rõ điều này và thời gian tới sẽ bổ sung thành viên ở một số lĩnh vực chuyên sâu về văn hóa, kinh tế số, môi trường...
Đồng thời mong muốn các thành viên hội đồng phát huy khả năng huy động nguồn lực vì phía sau các thành viên hội đồng là mạng lưới nghiên cứu bao gồm các viện, trường đại học, các tổ chức nghiên cứu. Khi nghiên cứu từng vấn đề, dự án chương trình cụ thể, Hội đồng Tư vấn sẽ mời các chuyên gia, nhà khoa học là người nước ngoài, kể cả các tổ chức nghiên cứu quốc tế, doanh nghiệp lớn có nhiều kinh nghiệm tham gia.
* Hội đồng Tư vấn xác định sẽ tập trung tư vấn cho TPHCM như thế nào?
* Ngay sau khi có quyết định thành lập, Hội đồng Tư vấn đã tổ chức phiên họp thứ nhất với sự chủ trì của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi để thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn của TPHCM trong triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Đi cùng với đó là thảo luận, đề ra kế hoạch, chương trình làm việc của hội đồng.
Chúng tôi ý thức, giữa quy định với thực tiễn đạt được sẽ còn khoảng cách rất lớn. Do đó, Hội đồng Tư vấn phải đóng góp nhất định vào quá trình thu hẹp khoảng cách này. Nghị quyết 98 tạo ra cơ chế pháp lý để cho thành phố phát triển bền vững. Mục tiêu cuối cùng là nhìn thấy kết quả thành phố phát triển như thế nào, người dân được hưởng lợi ích gì. Đấy mới là quan trọng.
Hội đồng Tư vấn phân ra 6 nhóm vấn đề chuyên sâu để tập trung nghiên cứu, tư vấn cho thành phố. Các chuyên gia, nhà khoa học sẽ đi sâu vào từng nhóm vấn đề cụ thể. Từng dự án, chương trình cụ thể sẽ do trưởng nhóm chịu trách nhiệm chính. Quá trình thành phố triển khai nếu có vướng mắc, các nhóm chuyên sâu sẽ tư vấn để có những giải pháp tháo gỡ.
"Yếu tố để bảo đảm thành công đó là phải nâng cao chất lượng công vụ của bộ máy thực thi công vụ của TPHCM. Do vậy, hội đồng sẽ mở rộng đóng góp cho thành phố trong việc nghiên cứu hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, góp phần đưa bộ máy hiệu quả, phù hợp với siêu đô thị như thành phố"
TS TRẦN DU LỊCH, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn
* Những thí điểm tạo ra sự phát triển đột phá cho TPHCM có thể được áp dụng chung cho cả nước. Vậy vai trò của Hội đồng Tư vấn ở điểm này?
* Nghị quyết 98 không chỉ đóng khung thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM mà còn mở ra một số hướng mới, mở ra cơ chế, chính sách mới cho cả nước. Vì vậy, TPHCM phải chuẩn bị kỹ hơn và điều này có một phần vai trò của Hội đồng Tư vấn.
Nhiều ý kiến thành viên hội đồng mong muốn nghiên cứu có quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong từng ngành, lĩnh vực… Trước mắt là nghiên cứu sâu vào lĩnh vực tài chính, thị trường tài chính quốc tế. Đây là vấn đề rất lớn không chỉ riêng của TPHCM mà của cả quốc gia.
Hội đồng Tư vấn sẽ tham gia đóng góp, bổ sung vào đề án để hoàn thiện hơn. Trong đó có hai nội dung quan trọng là cho làm “sandbox” một số dịch vụ tài chính mới như ngân hàng số; xây dựng thị trường giao dịch hàng hóa tương lai; chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược mang tầm cỡ quốc tế.
Nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn tiếp tục nghiên cứu, tư vấn đóng góp cho TPHCM trong quá trình chuẩn bị các đề án liên quan đến những vấn đề mới. Chẳng hạn như vấn đề phát hành trái phiếu quốc tế hay một số nội dung để hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào trung tâm tài chính quốc tế…
Hội đồng tập trung tư vấn những nội dung chính:
* Nâng cao chất lượng nền công vụ, tổ chức chính quyền đô thị
* Về kinh tế phát triển: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số
* Chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị
* Chính sách huy động nguồn lực phát triển hạ tầng xã hội
* Chính sách huy động nhà đầu tư chiến lược
* Chính sách, cơ chế phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo
ĐÔNG SƠN tổng hợp
* GS-TS NGUYỄN TRỌNG HOÀI, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM (thành viên Hội đồng):
Huy động nguồn lực phát triển công nghiệp sinh thái
Vấn đề môi trường gắn liền với kinh tế phát triển, bao gồm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số làm cho trụ cột môi trường tốt hơn, bệ đỡ cho chất lượng cuộc sống của TPHCM tốt hơn trong tương lai.
Hiện nay với kinh nghiệm nghiên cứu của tôi thì về khu công nghiệp sinh thái theo tổng kết của Việt Nam trong đó có TPHCM chưa có một khu công nghiệp sinh thái nào đúng nghĩa. Trong khi đó kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn rất quan trọng với phát triển bền vững.
TPHCM là đi đầu về phát triển khu công nghiệp, nên đến thời điểm này thành phố đã đến giai đoạn hậu công nghiệp. Vì vậy, chúng ta cần có sự huy động tốt các nguồn lực để tái cấu trúc các khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái. Chúng ta có rất nhiều nguồn lực nghiên cứu về môi trường, có thể liên kết các chuyên gia môi trường toàn cầu tham gia nghiên cứu về môi trường của TPHCM.
* TS NGUYỄN SĨ DŨNG, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (thành viên Hội đồng):
Cải cách hệ thống công vụ
Thành phố Hồ Chí Minh muốn vươn lên thì phải cải cách hệ thống công vụ là quan trọng nhất trong mọi cải cách. Mà muốn cải cách thì thành phố phải chọn được người tài, không chỉ trong lĩnh vực công mà người tài bên ngoài tham gia cùng thành phố. Có hai cách để TPHCM triển khai là tiến cử và thi tuyển. TPHCM phải có hệ thống thi cử để chọn đúng người tài vào hệ thống công vụ của thành phố.
Nếu làm được điều đó thì trong một thời gian ngắn có thể để lại di sản để thành phố phát triển được. Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore phát triển vượt bậc vì họ có bộ máy đó, họ có nền công vụ rất xuất sắc, khác biệt.
Còn chúng ta, nếu không xây dựng được bộ máy đó thì khó vô cùng. Thi tuyển khách quan để chọn đúng là quan trọng. Tiếp theo, bộ máy mang quyền lực công phải có quyền độc lập quyết các vấn đề theo năng lực, pháp luật. Như vậy sẽ giải quyết các công việc nhanh, vận hành thể chế nhanh được.
VĂN MINH - NGÔ BÌNH ghi