Ngày 29-12, HĐND TPHCM phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) tổ chức chương trình Đối thoại cùng chính quyền TPHCM với chủ đề "Tác động từ các chiều nghèo xã hội và ý chí của hộ nghèo lên chương trình Giảm nghèo Bền vững".
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, từ năm 2016 đến nay, TP đã huy động gần 11.800 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững. Trong 3 năm qua đã có hơn 62.000 hộ nghèo và hơn 20.000 hộ cận nghèo vươn lên và TP hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP giai đoạn 2016 - 2020 trước thời hạn 2 năm. Số hộ cận nghèo dự kiến còn lại đến cuối năm 2018 là khoảng 28.000 hộ, chiếm tỷ lệ khoảng 1,4% tổng hộ dân TP.
Buổi đối thoại cùng Chính quyền TPHCM về giảm nghèo bền vững Đánh giá về chương trình Giảm nghèo bền vững TPHCM, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM cho rằng, việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều giai đoạn 2016-2020 rất thuận lợi. Thu nhập hộ nghèo thời gian qua đã tăng 3,5 lần, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1%/năm. Giá trị và động lực cốt lõi của chương trình Giảm nghèo Bền vững trên hết chính là khơi dậy ý thức, nghị lực và nỗ lực của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt khó để vươn lên.
Tuy nhiên, theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo, cận ghèo tuy có cao so với bình quân cả nước nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống ở một đô thị phát triển như TPHCM. Một số chiều dịch vụ xã hội vẫn còn nhiều khó khăn như nhà ở, dạy nghề, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nỗ lực hơn và cần ý thức cao hơn về học nghề, học văn hóa của người nghèo để vượt nghèo bền vững.
Về Giảm nghèo giai đoạn 2019-2020, Giám đốc Sở LĐTB-TPHCM cho hay, TPHCM tiếp tục thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững TPHCM 2 năm cuối (2019-2020) của giai đoạn 2016-2020. TPHCM đã nâng chuẩn nghèo về thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm lên 28 triệu đồng/người/năm; chuẩn cận nghèo về thu nhập nâng từ 28 triệu đồng/người/năm lên 36 triệu đồng/người/năm. Những chiều còn nhiều thiếu hụt như dạy nghề, việc làm, nhà ở sẽ được chú trọng hơn, tìm các giải pháp hữu hiệu hơn để giúp người nghèo cải thiện về đời sống, công ăn việc làm, qua đó thoát nghèo bền vững. Năm 2019, TPHCM dự kiến huy động nguồn lực để thực hiện các giải pháp giảm nghèo là 4.670 tỷ đồng, năm 2020 là 4.736 tỷ đồng.
MẠNH HÒA