“Tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM trong 9 tháng năm 2023 không chỉ thể hiện ở con số tăng trưởng kinh tế mà còn thể hiện trên các hoạt động về văn hóa, giáo dục, y tế sức khỏe, giảm nghèo bền vững... hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Thành ủy viên, Đại biểu Quốc hội khóa XV chia sẻ với PV Báo SGGP về bức tranh kinh tế - xã hội của thành phố.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Thành ủy viên, Đại biểu Quốc hội khóa XV |
Dự báo tăng tốc vào đầu năm 2024
- PHÓNG VIÊN: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý 3-2023 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ. TPHCM đóng góp thế nào vào quá trình tăng trưởng chung của cả nước, thưa ông?
* PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Trước hết, kinh tế Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng có độ mở lớn nên chịu tác động trực diện nhiều mặt từ tình hình thế giới và khu vực. Dù vậy, kinh tế TPHCM đã phục hồi và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Nếu như quý 1-2023, tăng trưởng kinh tế của TPHCM chỉ 0,7%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước, thì sang quý 2 đã bắt đầu phục hồi, tăng 5,87%. Với đà đó, sang quý 3-2023, kinh tế TPHCM tăng trưởng ước đạt 6,71%. Thu ngân sách của TPHCM trong 9 tháng năm 2023 là 326.194 tỷ đồng, đóng góp vào tổng thu ngân sách của cả nước là 26,7%. Đây là mức đóng góp vào ngân sách cả nước ở mức cao so với nhiều năm trước.
- Lãnh đạo TPHCM khẳng định quyết tâm đưa tăng trưởng kinh tế thành phố quý sau cao hơn quý trước nhưng không chạy theo con số. Ông nhìn nhận thế nào về quan điểm này?
* Kinh tế Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đang trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, định hướng tăng trưởng theo chiều sâu, phát triển bền vững. Trong đó, TPHCM quan tâm đến chất lượng tăng trưởng kinh tế hơn là quan tâm đến số lượng tăng trưởng. Điều này được thể hiện từ nhiều năm qua khi TPHCM hướng tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo... Quá trình chuyển đổi này sẽ có độ trễ nhất định. Những năm đầu của quá trình tái cơ cấu, chuyển dịch kinh tế theo chiều hướng mới luôn có sức ì nhất định. Do vậy, dự báo đến đầu năm 2024, kinh tế TPHCM mới có thể tăng tốc.
"Với Nghị quyết 98/2013/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, TPHCM khẩn trương nắm bắt cơ hội triển khai thực hiện nhanh nhất có thể, nhất là tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo bứt phá phát triển TPHCM theo như mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đề ra, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân dành cho TPHCM"
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN
- Có nghĩa khi đánh giá về kinh tế - xã hội sẽ quan tâm cả hai yếu tố?
* TPHCM tập trung đánh giá những điểm sáng về mặt văn hóa, xã hội tương quan với đánh giá về mặt kinh tế. Trong thời gian, TPHCM đã quan tâm rất nhiều đến việc nâng cao chất lượng sống của người dân và đeo đuổi mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố. Do đó, kết quả đạt được trong 9 tháng vừa qua của TPHCM không chỉ thể hiện ở con số tăng trưởng kinh tế mà còn thể hiện ở nỗ lực vượt khó, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị TPHCM trên các hoạt động về văn hóa, giáo dục, y tế sức khỏe, giảm nghèo bền vững...
Khách mua hàng tại siêu thị Go! (quận Tân Phú, TPHCM). Ảnh: THI HỒNG |
Tăng tốc đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng
- Thưa ông, thúc đẩy đầu tư công đối với TPHCM có tầm quan trọng như thế nào?
* Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng năm 2023 đạt 21.126 tỷ đồng (tỷ lệ 31%). Đây là con số giải ngân lớn và là địa phương có con số giải ngân vốn đầu tư công lớn nhất. Theo tôi, 1 đồng đầu tư công ở TPHCM sẽ thu hút 8 đến 9 đồng vốn đầu tư xã hội. Đầu tư công ở thời điểm hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với TPHCM, vì đây là 1 trong 3 động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Mặt khác, đầu tư công còn giúp tháo gỡ nhanh các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của TPHCM, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm quá tải trong bệnh viện, trường học, cải thiện môi trường... Đồng thời góp phần huy động hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho phát triển; góp phần nâng cao thu nhập người dân. Từ việc nâng cao thu nhập của người dân sẽ góp phần tăng chi tiêu, mua sắm trong dân.
- Theo ông, vấn đề nào TPHCM cần “mổ xẻ” kỹ để tìm lời giải thúc đẩy đầu tư công trong những năm tới?
* Giai đoạn 2013-2022 TPHCM đã giải ngân trên 200.000 tỷ đồng (bình quân mỗi năm giải ngân 20.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình 83%). Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2023, TPHCM đã giải ngân 21.126 tỷ đồng. Xác định thúc đẩy đầu tư công là mục tiêu quan trọng, ngay trong tháng 10-2023, TPHCM sẽ có hội nghị chuyên đề về đầu tư công. Qua hội nghị sẽ thảo luận, đánh giá, xem xét đầy đủ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, thể chế, tổ chức thực hiện, công tác cán bộ... trong việc triển khai giải ngân đầu tư công nhằm hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong thời gian tới. TPHCM cũng sẽ xem xét, đánh giá lại các dự án lớn đang tồn đọng, chậm triển khai trên địa bàn TPHCM để rút ra bài học kinh nghiệm.