Tiếp thêm động lực cho đội ngũ nhà giáo
Chia sẻ tại buổi lễ, cô Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), được vinh danh Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018, bày tỏ, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, trường học cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục gắn liền với phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Nhà trường cũng cần đẩy mạnh các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận các phương pháp dạy học mới, đồng thời mạnh dạn áp dụng các phương pháp đó, kết hợp tổ chức các phong trào thi đua, khen thưởng nhằm động viên, ghi nhận kịp thời nỗ lực của các thầy cô giáo.
Ở góc độ khác, theo cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), tuyển dụng và bố trí công tác đối với giáo viên phải “đúng người - đúng việc” trên cơ sở phù hợp trình độ, năng lực giáo viên, đảm bảo tính kế thừa để có sự ổn định. Bên cạnh đó, việc phân công giảng dạy cần hợp lý, khoa học, phát huy vai trò trách nhiệm của tổ trưởng chuyên môn trong công tác quản lý và điều hành hoạt động giáo dục. “Hiện nay, thu nhập bình quân của giáo viên không cao, đặc biệt là giáo viên trẻ có hệ số lương thấp. Do đó, việc tăng lương cho giáo viên là việc làm hết sức cần thiết, tuy không giải quyết triệt để khó khăn của các thầy cô giáo nhưng là động lực to lớn, động viên tinh thần đội ngũ”, cô Minh Tâm bày tỏ.
PGS-TS Lê Minh Triết, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Toán - Ứng dụng, Trường Đại học Sài Gòn, bày tỏ mong muốn lãnh đạo thành phố tiếp tục quan tâm, tạo cơ chế để giảng viên, giáo viên trẻ phát huy tài năng, năng lực của mình đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố. Trong đó, để giải quyết triệt để vấn đề dạy thêm - học thêm, cần đảm bảo mức sống cho đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện cho thầy cô bám trụ với nghề, phát huy tinh thần tuổi trẻ.
Tập trung chăm lo đời sống giáo viên
Ghi nhận đóng góp của các thầy cô giáo, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, thầy cô giáo là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế, tạo tiền đề phát huy vai trò trung tâm giáo dục - đào tạo của TPHCM. Do đó, mỗi thầy cô trong toàn ngành tiếp tục phấn đấu là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, không ngừng tích lũy kiến thức, giữ gìn phẩm chất, phát triển tư duy, luôn nâng cao nhận thức tự học và sáng tạo.
Lãnh đạo thành phố nợ thầy cô giáo nhiều vướng mắc chưa được giải quyết. Xã hội nợ các thầy cô sự thấu cảm và tri ân. Để người thầy thực hiện đầy đủ sứ mệnh thiêng liêng mà xã hội giao phó, cần quan tâm chăm lo đời sống cho đội ngũ nhà giáo, thu hút thêm người giỏi vào ngành sư phạm, làm sao để các thầy cô có thêm niềm tin và động lực đứng trên bục giảng Đồng chí PHAN VĂN MÃI Chủ tịch UBND TPHCM |
Đồng chí Phan Văn Mãi mong ngành giáo dục sớm hoàn thiện theo hướng giáo dục thông minh, giáo dục mở, học tập suốt đời; tập trung nâng cao chất lượng, phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế. Trong đó, ngoài việc trang bị kiến thức và phương pháp học tập, người học cần được trang bị tâm thế sẵn sàng đón nhận cái mới, chấp nhận va chạm, cọ xát, thích ứng linh hoạt để phát triển. Tới đây, hàng loạt vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực giáo dục như tự chủ đại học, đảm bảo quy mô trường lớp, định biên và chế độ chính sách thu hút giáo viên, bổ sung biên chế giáo viên dạy các môn ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, âm nhạc… sẽ được lãnh đạo thành phố tìm cách tháo gỡ.
Tháng 6-1998, xuất phát từ ý tưởng về một giải thưởng nhằm tôn vinh những đóng góp âm thầm của người thầy đối với xã hội, Báo SGGP và Sở GD-ĐT TPHCM đã phối hợp thành lập Giải thưởng Võ Trường Toản, giải thưởng mang tên nhà giáo lỗi lạc đất Nam bộ Võ Trường Toản, nhằm tri ân công lao cống hiến của các nhà giáo tiêu biểu cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ nhất tuyên dương 15 giáo viên trong phạm vi các trường tiểu học, THCS và THPT. Từ lần thứ 2, giải thưởng mở rộng đến các cấp học khác, có thêm khối mầm non, giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên. Số lượng giáo viên được vinh danh cũng tăng lên 19 rồi 24, 26 và chọn mốc 30 người trong 10 năm sau đó. Trong 18 năm từ 1998 đến 2015, giải thưởng tập trung vào những giáo viên có nhiều năm cống hiến, tâm huyết với nghề. Từ năm 2015, giải thưởng mở rộng thêm, có ghi nhận và tôn vinh các cán bộ quản lý giáo dục ở cấp cơ sở, những người đã kinh qua nhiều năm trực tiếp đứng lớp, thể hiện tốt vai trò, năng lực, trách nhiệm đối với nhiệm vụ cá nhân, với công tác chung của tập thể và được tin cậy giao trách nhiệm quản lý, lãnh đạo trong nhà trường. Từ đó đến nay, giải thưởng ổn định số lượng 40 giáo viên và 10 cán bộ quản lý được tôn vinh hàng năm. |
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Giải thưởng Võ Trường Toản, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định tặng bằng khen 25 nhà giáo tiêu biểu được vinh danh Giải thưởng Võ Trường Toản qua các thời kỳ. Trong buổi lễ, Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022 tiếp tục vinh danh 50 nhà giáo là cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu, được đồng nghiệp tín nhiệm, phụ huynh và học sinh tin yêu. 25 nhà giáo tiêu biểu của 25 năm Giải thưởng Võ Trường Toản Cô Nguyễn Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 8, quận 3 Cô Phan Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Thuận, quận 7 Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thủy Tiên 2, huyện Bình Chánh Cô Đỗ Hoàng Phương Thảo, giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan, quận 1 Thầy Nguyễn Phương Bình, giáo viên Trường Mầm non 1, quận 5 Cô Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú Cô Lê Thị Tuyết Sương, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Thủ Đức Thầy Nguyễn Tuấn Lê, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi Cô Nguyễn Thị Mỹ Kiều, giáo viên Trường Tiểu học Trang Tấn Khương, huyện Nhà Bè Cô Quách Hoàng Liên Hạ, giáo viên Trường Tiểu học Bình Trị 2, quận Bình Tân Thầy Dương Công Lý, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Hưu, huyện Nhà Bè Cô Trần Thị Vẹn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh Cô Phạm Thị Thanh Nhung, giáo viên Trường THCS Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn Cô Đinh Thị Hà Thanh, giáo viên Trường THCS Bình Trị Đông, quận Bình Tân Thầy Đào Văn Danh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Tiến, huyện Củ Chi Cô Lê Quỳnh Liên, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Cô Lê Kim Mai, giáo viên Trường THPT Võ Thị Sáu Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh Thầy Phạm Văn Chiểu, giáo viên THPT Nguyễn Hữu Cầu Thầy Bùi Trí Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi Cô Đàm Thị Mỹ Ngọc, giáo viên Trường Hy Vọng, quận 6 Cô Hoàng Thị Nguyệt, giáo viên Trường Hy Vọng, quận Gò Vấp Cô Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Hy Vọng, quận 8 Thầy Trương Bá Hải, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 10 Thầy Hồ Tường Long, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 12 |