Tham dự có các đồng chí: Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM…
Cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TPHCM và ĐBQH các khóa.
Mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ
Đọc diễn văn kỷ niệm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang ôn lại, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 3-9-1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.
Ngày 8-9-1945 Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.
Bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 6-1-1946: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.
Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung – Nam.
Đồng chí Trần Lưu Quang khẳng định, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
“Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại”, đồng chí Trần Lưu Quang đúc kết.
75 năm đã trôi qua, kể từ ngày 6-1-1946 đến nay, với 14 nhiệm kỳ, đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam luôn luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Việc gắn bó mật thiết, thấu cảm sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Quốc hội có những quyết sách đúng đắn.
Đoàn ĐBQH TPHCM đã đóng góp tích cực với TPHCM
Theo đồng chí Trần Lưu Quang, cùng đóng góp vào thành quả chung của Quốc hội cả nước, có tâm sức của nhiều thế hệ ĐBQH TPHCM. Đoàn ĐBQH TPHCM từ khoá VI đến nay cùng chính quyền và nhân dân TPHCM đi đầu trong đổi mới tư duy, giành được những thành tựu quan trọng. Các vị ĐBQH TPHCM qua các thời kỳ đã hoạt động rất tích cực, trách nhiệm, làm tốt chức năng của người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân TPHCM.
Riêng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, dấu ấn của nhiệm kỳ này là Đoàn ĐBQH TPHCM đã có đóng góp tích cực trong qua trình cùng với chính quyền TPHCM kiến nghị, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM; và Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.
Đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh, việc thông qua các Nghị quyết này đã tạo cơ sở pháp lý cho TPHCM thực hiện các quy định đặc thù về phân cấp quản lý, chính sách tài chính. Qua đó, làm cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả cao hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn.
Đồng thời, tổ chức chính quyền đô thị TPHCM tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của TP. Việc thành lập TP Thủ Đức là một đô thị sáng tạo tương tác cao với dân số hơn 1 triệu người, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn của TPHCM, sẽ trở thành một TP kinh tế tri thức, TP trí tuệ nhân tạo, một động lực phát triển mới của TPHCM, hình thành vùng kinh tế 4.0 lớn của Việt Nam ở phía Nam.
“Những đóng góp của Đoàn ĐBQH TPHCM qua các thời kỳ được cử tri, đồng bào, đồng chí quan tâm, đánh giá tích cực, góp phần tích cực vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội cả nước”, đồng chí Trần Lưu Quang biểu dương.
Đồng chí Trần Lưu Quang khẳng định, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, xứng đáng là đại biểu nhân dân của TPHCM. Mỗi vị ĐBQH TPHCM sẽ tăng cường tiếp công dân, tiếp xúc cử tri sao cho thiết thực hơn, sâu sát hơn, lắng nghe, tiếp thu nguyện vọng của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xây dựng pháp luật, góp tiếng nói vào ý chí chung của Quốc hội cả nước.
Dịp này, Chủ tịch UBND TPHCM tặng Huy hiệu TPHCM cho 26 cá nhân và bằng khen cho 3 cá nhân là ĐBQH đã có có nhiều đóng góp cho TPHCM.
· GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, ĐBQH khóa VII, VIII, IX: Những chuyến đi thay đổi chính sách Là ĐBQH, là thành viên của Ủy ban Y tế và xã hội của Quốc hội, chúng tôi được đi thăm nhiều địa phương, không chỉ cấp tỉnh mà còn huyện, xã nên nắm được tình hình, mở rộng tầm nhìn của mình, hiểu được cuộc sống của người dân, yêu cầu đòi hỏi của thực tế cuộc sống. Từ đó báo cáo với Quốc hội, với Bộ Y tế để có sự thay đổi về chính sách. Đó là những lần khảo sát ở vùng cao, thấy tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh rất cao. Sau đó, Bộ Y tế cùng Tổ chức Y tế thế giới khảo sát lại và thấy tỷ lệ tử vong ở vùng cao cao gấp 10-20 lần vùng đồng bằng. Từ đó, Bộ có Chương trình “Cô đỡ thôn bản”, cho các cán bộ phụ nữ còn trẻ, đào tạo thêm việc đỡ đẻ, khám thai. Hoặc qua những chuyến đi, chứng kiến nhiều gia đình đau khổ vì hiếm muộn, các đại biểu đã đề xuất Quốc hội ủng hộ khởi đầu chương trình thụ tinh ống nghiệm điều trị hiếm muộn. 16 năm làm đại biểu Quốc hội, kỷ niệm rất nhiều. Đoàn ĐBQH TPHCM đã có tiếng nói mạnh mẽ để có chính sách bỏ tem phiếu, hóa giá nhà… Lần ấy, chúng tôi cùng cô Ba Định (Nguyễn Thị Định) đi khảo sát đời sống nữ công nhân cao su, thấy chị em sau khi nghỉ hậu sản 2 tháng đã phải thức từ 3 giờ sáng đi cạo mủ cao su, cạo xong phải gánh mủ đổ vào bồn xe. Sau đó, Bệnh viện Từ Dũ khảo sát, ghi nhận tình trạng sa tử cung, mất sữa của nữ công nhân cao su rất cao so với các nữ công nhân các ngành khác. Từ kết quả này, Chủ nhiệm Ủy ban y tế và xã hội của Quốc hội khóa VII đã làm việc với Liên đoàn lao động tăng thời gian nghỉ hậu sản lên 6 tháng. Do vậy, vừa làm cán bộ ngành y tế, vừa làm ĐBQH bổ sung cho nhau rất nhiều, vấn đề phải chịu học để hoàn thành công tác. · Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO, ĐBQH khóa XI, XII: Quốc hội là một trường học lớn Với tôi, Quốc hội là trường học lớn. Học từ nhân dân, từ thực tiễn lớn của đất nước, từ hoạt động ở nghị trường luôn đổi mới. Điều tôi tâm đắc nhất là học cách gần dân, lắng nghe những nỗi niềm bức xúc, cả những ý tưởng hay, điều tâm huyết của người dân. Nếu biết cách gần gũi với người dân, tăng cường lắng nghe đối thoại, tương tác với dân sẽ xử lý được những vấn đề bức xúc, và cả những vấn đề góp phần tích cho sự phát triển chung. Có thể thấy, Quốc hội gần đây ứng dụng công nghệ nhiều hơn, ít giấy tờ hơn, hoạt động nghị trường khá "nóng", ĐBQH không chỉ tham luận mà còn tranh luận. Ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, XII, cũng có nhiều ĐBQH xây dựng được thương hiệu, để lại ấn tượng trong lòng dân. Tôi nghĩ Quốc hội luôn có sự kế thừa, phát triển và nghị trường "nóng" cũng là điều kiện cho ĐB mạnh mẽ, tự tin hơn. Nhưng luôn phải gần gũi với cuộc sống, luôn phải đổi mới, gần dân để đáp ứng yêu cầu cuộc sống, yêu cầu của nhân dân. · TS TRẦN DU LỊCH, ĐBQH khóa IX, XII, XIII Tin tưởng TPHCM thực hiện tốt mô hình chính quyền đô thị Là ĐBQH, tôi tâm huyết với việc góp phần xây dựng pháp luật, tạo lập cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Tôi có vinh dự được tham gia tổ biên tập Hiến pháp năm 2013. Cả nhóm chấp bút đã ở Cửa Lò (Nghệ An), “đóng cửa” suốt 1 tuần để viết Chương IX về Chính quyền địa phương. Kết quả, khi Quốc hội thông qua Hiến pháp, có Điều 111, khoản 2 quy định “Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”, cả nhóm mừng rớt nước mắt. Bởi, đây là tiền đề mới cho quá trình cải cách về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Và giờ đây, TPHCM đã có được Nghị quyết về chính quyền đô thị tại TPHCM. Tôi rất xúc động và đặt niềm tin rằng TPHCM sẽ khởi đầu trong cải cách chính quyền đô thị, thực hiện tốt mô hình chính quyền đô thị, tạo bước phát triển mạnh mẽ cho TPHCM. · PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, ĐBQH khóa XIII, XIV Trăn trở khi luật pháp chưa đồng bộ và cử tri còn nhiều tâm tư Là ĐBQH vừa là vinh dự nhưng cũng là thách thức lớn, nhất là những ĐBQH kiêm nhiệm như tôi thì vừa phải làm tròn vai trò đại diện cho cử tri (ĐBQH), vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan. Tôi rất may mắn được làm ĐBQH. Vì thế, nên tôi phải tổ chức thời gian để làm sao đóng góp nhiều nhất được nhiều nhất. 10 năm tham gia Quốc hội, tôi rất mừng khi được đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp chung của cả nước và TPHCM. Với chuyên môn kinh tế, tôi tham gia vào Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và tham gia sâu hơn trong việc xây dựng các luật về kinh tế, tài chính, ngân hàng và kiểm soát bội chi ngân sách, nợ công… Quốc hội khóa XIII đã bấm nút thông qua Hiến pháp. Và Quốc hội khóa XIII, XIV đã thông qua được 180 bộ luật và luật, góp phần giúp hệ thống luật của nước ta đầy đủ, hoàn chỉnh hơn. Nhưng đến giờ này, tôi vẫn còn nhiều trăn trở. Hệ thống luật pháp dù ban hành nhiều bộ luật, luật nhưng vẫn chưa đồng bộ, vẫn còn sự xung đột trong các quy định. Một vấn đề nữa là những gửi gắm của cử tri. Là ĐBQH, chúng tôi rất mong muốn góp phần giải quyết và mặc dù đã có sự cố gắng, mặc dù lãnh đạo TPHCM cũng cố gắng, nhưng quả thật vẫn chưa đáp ứng hết được sự mong đợi của cử tri. Lần nào tiếp xúc cử tri, cử tri cũng có những tâm tư, phản ánh rất bức xúc, nhất là về quy hoạch, dự án treo ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nếu may mắn được tiếp tục làm ĐBQH, tôi sẽ tiếp tục cống hiến, góp phần ngày càng hoàn thiện hệ thống luật pháp, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường của nước nhà. |