TPHCM: Hơn 800 giáo viên tiểu học và THCS tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng Anh

Sáng 12-4, tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, hơn 800 giáo viên tiếng Anh các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TPHCM tham gia chương trình tập huấn "Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Anh bằng tư duy Linearthinking" do Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM) phối hợp với DOL English tổ chức.

Ông Võ Thiện Cang, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, hoạt động tập huấn nhằm góp phần thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị (ngày 12-8-2024) về tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

621242ad62bcd1e288ad.jpg
Ông Võ Thiện Cang phát biểu tại buổi tập huấn

"Để thực hiện mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, còn nhiều khó khăn, thử thách. Vì vậy, buổi tập huấn là dịp giúp giáo viên dạy môn tiếng Anh ở các trường học cùng nhau ngồi lại, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, tận dụng các nguồn lực, nắm bắt cơ hội giúp học sinh học và sử dụng tiếng Anh hiệu quả", đại diện Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.

NGI_4421.JPG
Toàn cảnh buổi tập huấn

Chia sẻ tại buổi tập huấn, bà Hà Đặng Như Quỳnh, Nghiên cứu sinh tiến sĩ Giáo dục học, Đại học Reading, Anh Quốc, nhận định, việc dạy và học tiếng Anh đối với học sinh phổ thông hiện nay khác rất nhiều so với trước đây.

Theo đó, cách học tiếng Anh trước đây là thầy cô trên lớp giới thiệu bao nhiêu từ vựng, học sinh ghi nhớ bấy nhiêu, ít có cơ hội mở rộng kiến thức thông qua các kênh khác.

Trong khi đó, hiện nay, học sinh được tiếp xúc với rất nhiều nguồn học từ vựng tiếng Anh khác nhau như youtube, phim ảnh, chương trình học tập trực tuyến... Việc tiếp xúc quá nhiều nguồn thông tin tuy mang lại nhiều lợi ích, song cũng dẫn đến nhiều bất cập do các em phải "bơi" trong lượng kiến thức khổng lồ, đòi hỏi khả năng lọc, lựa chọn thông tin tiếp nhận, biết cách hệ thống hóa kiến thức.

Mặc khác, trong bối cảnh ngành giáo dục có quá nhiều các kỳ thi, người người, nhà nhà "chạy đua" luyện thi để có các chứng chỉ ngoại ngữ, áp lực đang đè nặng lên học sinh, đồng thời tạo ra gánh nặng tài chính cho phụ huynh, áp lực cho cả đội ngũ thầy, cô giáo.

NGI_4403.JPG
Bà Hà Đặng Như Quỳnh đặt ra yêu cầu thay đổi cách dạy và học tiếng Anh đối với học sinh hiện nay

Từ thực tế đó, chuyên gia này cho rằng, để giúp việc học tiếng Anh trở nên hiệu quả, giáo viên cần giúp học sinh hiểu bản chất của ngôn ngữ, biết sử dụng đồng thời cả kỹ năng nghe - nói - đọc - viết để giao tiếp hiệu quả.

"Nhiều học sinh đang học tiếng Anh bằng cách ghi nhớ từ vựng một cách đơn lẻ, không biết cách hệ thống, sắp xếp thông tin. Khi kiến thức được thu nạp vào đầu thành nhiều nội dung phân mảnh nên não rất khó ghi nhớ, học sinh dù nhớ từ vựng cũng không sử dụng được", bà Hà Đặng Như Quỳnh phân tích.

Để khắc phục tình trạng đó, học sinh cần thay đổi cách học ngôn ngữ từ việc học từ đơn lẻ thành hệ thống kiến thức theo từng nhóm chủ đề (như nơi chốn, cách thức, con người, đối tượng) hoặc các cặp phạm trù (như nguyên nhân - giải pháp, lợi và hại...) để dễ nhớ, dễ truy xuất, tăng phản xạ khi giao tiếp bằng tiếng Anh.

Cũng tại buổi tập huấn, giáo viên các trường công lập và ngoài công lập đã chia sẻ nhiều giải pháp giúp dạy học tiếng Anh đạt hiệu quả như học qua tình huống giao tiếp, công cụ hỗ trợ học tập trực tuyến...

Tin cùng chuyên mục