Cụ thể, với mục tiêu không để một học sinh nào bỏ học vì điều kiện kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như đảm bảo các điều kiện học cho tất cả học sinh trên địa bàn TPHCM được tham gia học tập trực tuyến, ngành giáo dục và đào tạo TPHCM sẽ đáp ứng tối thiểu nhu cầu của mỗi học sinh trong một hộ gia đình có ít nhất một thiết bị sử dụng khi tham gia học trực tuyến trên internet.
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, dạy học trên internet sẽ là phương thức học tập được thực hiện thường xuyên và đồng thời ngay cả khi các trường học mở cửa trở lại nhằm phát huy tối đa các điều kiện dạy học giúp cho học sinh và nhà trường thích ứng trong điều kiện bình thường mới.
Theo đó, kết quả rà soát cho thấy, trong tổng số 1.405.092 học sinh ở các bậc học từ tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên, có tổng cộng 72.994 học sinh không đảm bảo các điều kiện về thiết bị và đường truyền để học trực tuyến. Trong đó, bậc tiểu học chiếm tỷ lệ cao nhất với 31.247 học sinh, kế đến là THCS với 26.355 học sinh, THPT có 15.037 học sinh và hệ giáo dục thường xuyên có 355 học sinh.
Học sinh tiểu học tại TPHCM tham gia học trực tuyến qua internet
Trước thực tế đó, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức lựa chọn các loại thiết bị học tập có cấu hình phù hợp yêu cầu học trực tuyến, đảm bảo an toàn sức khỏe để giới thiệu công khai cho phụ huynh học sinh lựa chọn sử dụng.
Theo kế hoạch, có 3 hình thức thực hiện gồm huy động nguồn tài trợ (dự kiến 15.000 thiết bị), tiếp nhận thiết bị đã qua sử dụng (dự kiến 30.000 thiết bị) và xây dựng chính sách hỗ trợ lãi suất cho phụ huynh mua trả góp thiết bị (dự kiến 30.000 thiết bị).
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP phổ biến qua các kênh thông tin của đơn vị cho phụ huynh học sinh biết ý nghĩa của chương trình, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch vận động các mạnh thường quân, phụ huynh học sinh, tận dụng các nguồn lực hiện có để kịp thời hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến.