Bỏ tết vào tâm dịch
Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi ngày 30 Tết vẫn bận rộn - 40 nhân viên y tế túc trực chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19. Bác sĩ Trần Chánh Xuân, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi, kể: “Từ khi thành lập bệnh viện dã chiến đến nay hơn một năm, nhiều nhân viên y tế cũng như tôi vẫn túc trực tại đây, thỉnh thoảng mới về thăm nhà”.
Với nhiệm vụ của một người lính, Đại úy Nguyễn Nho Đông, Trưởng ban Chính trị Trường Quân sự TPHCM, cũng lao vào tâm dịch suốt hơn 400 ngày qua. Không kể ngày hay đêm, anh cùng đồng đội túc trực tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi để thực hiện nhiệm vụ.
“Thực tế những ngày đầu cách ly, tại đây tình hình rất căng thẳng. Nhiều người bất hợp tác, thậm chí chửi mắng y bác sĩ thăm khám. Khi ấy, chúng tôi phải nhẹ nhàng giải thích, khuyên nhủ, thậm chí có lúc phải răn đe. Nhưng tất cả đều phải trên tinh thần giúp người cách ly hiểu mà hợp tác”, Đại úy Đông nhớ lại.
Còn đơn vị “đứng mũi chịu sào” trong dịch Covid-19 là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tất cả nhân viên đều không được nghỉ phép. Trước tết, số ca mắc đột ngột tăng cao, lệnh “tổng động viên” cũng được ban ra. Toàn bộ nhân lực đều được lệnh “không nghỉ tết”, sáng đèn suốt đêm khẩn trương truy vết, điều tra dịch tễ với mục tiêu “chặn đứng được chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất, không để lây lan ra cộng đồng”.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, HCDC cho biết, chưa bao giờ chúng tôi trải qua một cái tết với đầy áp lực như thế này. Không chỉ HCDC mà toàn bộ hệ thống y tế dự phòng tại 21 quận - huyện và TP Thủ Đức đều gần như hoạt động hết công suất trong hơn 400 ngày qua. Những bước chân của cán bộ y tế dự phòng không kể ngày thường hay ngày nghỉ, lễ, tết, chỉ cần có lệnh là họ lên đường điều tra dịch tễ, truy vết ổ dịch.
Trong khi người dân đang đón tết đầm ấm bên gia đình vào rạng sáng 12-2-2021 (mùng 1 Tết), hơn 400 cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn Gia Định Bộ Tư lệnh TPHCM) đã có mặt tại cơ sở 2 Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (Hóc Môn) để làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Khu cách ly dự kiến tiếp nhận từ 800 - 1.000 người.
Thượng úy Nguyễn Minh Toàn, Phó tiểu đoàn trường Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Gia Định cho biết, từ ngày 27-1 đến 11-2-2021, sau khi TPHCM ghi nhận tổng cộng 34 trường hợp mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, anh và đồng đội xác định tư tưởng: Sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt bất cứ nhiệm vụ đột xuất trên giao, nhất là công tác phòng chống dịch. Dẫn quân tới khu cách ly, các anh hợp lực với gần 200 chiến sĩ, dân quân thường trực của 6 quận, huyện (quận 4, 5, 6, Phú Nhuận và huyện Hóc Môn, Củ Chi) lau dọn vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ khu cách ly; chuẩn bị chiếu gối, các đồ dùng thiết yếu khác để tiếp đón người đến cách ly…
Chia lửa với tâm dịch
Không chỉ là “lá chắn thép” ở TPHCM, nhân viên y tế TPHCM còn trở thành những người “chia lửa” cho các tâm dịch. Rạng sáng 3-2 (tức 23 tháng Chạp Tết Nguyên đán), đội phản ứng nhanh đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy lên máy bay chi viện cho tỉnh Gia Lai, địa phương bắt đầu có dấu hiệu bùng phát dịch Covid-19. Là thành viên nữ duy nhất, bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, chị và các đồng đội của mình lên đường đến Gia Lai chỉ sau 2 giờ đồng hồ nhận lệnh. Đến ngày 20-2, một đội phản ứng nhanh khác của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp tục lên đường “chia lửa” với Hải Dương.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế với phương châm dồn lực dập dịch ở Đà Nẵng, hưởng ứng lời kêu gọi của UBND TP Đà Nẵng về hỗ trợ nhân lực y tế, Sở Y tế TPHCM đã chủ động cử 30 bác sĩ và điều dưỡng thuộc chuyên khoa hồi sức, chuyên khoa nội thận và lọc máu chi viện cho Đà Nẵng.
Đoàn cán bộ y tế được Sở Y tế TPHCM cử đi hỗ trợ cho ngành y tế Đà Nẵng là các bác sĩ, điều dưỡng có nhiều kinh nghiệm đến từ các bệnh viện đa khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế TPHCM tham gia công tác điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Đà Nẵng.
Điều đặc biệt trong những chuyến công tác vào tâm dịch của đội ngũ y bác sĩ TPHCM là những tờ giấy điều động công tác bỏ trống thông tin ngày về. “Điều đó không quan trọng, bởi chúng tôi luôn tự hứa với mình, bao giờ hết dịch chúng tôi mới trở về”, Th.S-BS Nguyễn Phú Quốc, Bệnh viện Nhân dân 115, trải lòng.
Và giữ đúng lời hứa, đến khi Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, Hải Dương hết dịch, họ mới trở về. Đồng chí Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, đã vô cùng cảm kích trước tinh thần “quên thân” của đội ngũ y bác sĩ thành phố. Đồng chí cho rằng, tinh thần “quên mình vì cộng đồng” của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế thực sự là niềm tự hào của thành phố trong đại dịch.
Tiên phong sản xuất vaccine
Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, tháng 3-2020, Công ty CP Công nghệ sinh học Dược Nanogen (trụ sở tại Khu Công nghệ cao TPHCM) đã bắt tay vào dự án sản xuất vaccine. Đến tháng 6-2020, Bộ KHCN mới có công văn chính thức cho Nanogen thực hiện dự án vaccine và dự án kháng thể để điều trị Covid-19. Đây là loại vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được Công ty Nanogen nghiên cứu dựa trên công nghệ sản xuất protein tái tổ hợp.
TS Đỗ Minh Sỹ, Giám đốc nghiên cứu phát triển, Công ty Nanogen cho biết, vaccine của Nanogen trải qua nhiều bước, bắt đầu là nghiên cứu tạo dòng tế bào có khả năng tạo ra các kháng nguyên, sau đó nghiên cứu tạo ra thành phẩm vaccine rồi tiến hành kiểm tra chất lượng, đồng thời phối hợp với nhiều cơ quan khác nhau để đánh giá chất lượng của vaccine.
Sau khi nghiên cứu tiền lâm sàng để chứng minh an toàn trên động vật và khả năng tạo ra đáp ứng miễn dịch SARS-CoV-2, ngày 20-1, đợt thử nghiệm vaccine trên người giai đoạn 1 đã diễn ra và đến ngày 26-2 vaccine Nanovac được thử nghiệm giai đoạn 2.
PGS-TS Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y cho biết, nhóm nghiên cứu đã tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax cho tình nguyện viên ở cả 3 nhóm với các liều 25mcg, 50mcg và 75mcg.
Qua theo dõi, sức khỏe các tình nguyện viên đều ổn định, tinh thần hoàn toàn bình thường. Kết quả ban đầu đánh giá vaccine Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt. Đặc biệt, sau khi tiêm tiếp mũi 2, dự kiến lượng kháng thể sẽ còn tiếp tục tăng 4 - 5 lần, thậm chí 20 lần.
Như vậy, với thành công ban đầu của việc thử nghiệm vaccine Nanovac đã mang lại kỳ vọng về một loại vaccine “made in Việt Nam” do chính người Việt Nam điều chế và sản xuất. Cùng với các loại vaccine nhập từ nước ngoài, Nanovac sẽ là “lá chắn thép” thế hệ mới để chống lại đại dịch nguy hiểm của thế kỷ - đại dịch Covid-19.
Theo Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7, TPHCM là địa bàn trọng yếu, chiến lược của Quân khu 7, vì vậy ngoài lực lượng vũ trang thành phố được giao nhiệm vụ chủ động trong công tác phòng chống dịch cho địa phương, các lực lượng khác của quân khu cũng được giao nhiệm vụ “chia lửa” với lực lượng vũ trang TPHCM. 9 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn Quân khu 7 đã tổ chức 240 điểm cách ly, có khả năng tiếp nhận hơn 60.000 người.
Trong quá trình phòng chống dịch, Quân khu 7 đã có nhiều chủ trương, mô hình sáng tạo, cách làm hay được vận dụng hiệu quả, như: “Địa phương, đơn vị tuyến sau hỗ trợ địa phương, đơn vị tuyến trước”, “Siêu thị 0 đồng”, Lực lượng vũ trang Quân khu “đồng hành cùng người nghèo trong đại dịch Covid”, Robot khử khuẩn phòng cách ly...