TPHCM: Học sinh tiểu học vào học sớm nhất lúc 7 giờ 30

Ngày 31-8, Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn một số hoạt động đầu năm đối với cấp tiểu học. Trong đó, thời gian vào học sớm nhất của buổi sáng là 7 giờ 30 và buổi chiều sớm nhất lúc 13 giờ 30.

TPHCM: Học sinh tiểu học vào học sớm nhất lúc 7 giờ 30

Theo đó, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát danh sách học sinh chưa đăng kí ra lớp, có phương án bố trí định biên lớp học và phân công giáo viên, bảo đảm không để bất kì học sinh nào trên địa bàn không có chỗ học, đồng thời tất cả học sinh có tên trong danh sách đã ra lớp.

Bên cạnh đó, trường học chuyển tải các thông tin, hoạt động trong năm của nhà trường đến cha mẹ học sinh bằng nhiều giải pháp khác nhau, xây dựng các biện pháp hướng dẫn học sinh tham gia học tập, hướng dẫn cha mẹ hoặc người thân hỗ trợ học sinh.

Đối với các hoạt động tổ chức đầu năm, trường học cần giới thiệu về truyền thống, tầm nhìn, sứ mạng của nhà trường sao cho phù hợp với lứa tuổi của học sinh tiểu học cũng như cơ cấu tổ chức, cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Cùng với đó, các trường giới thiệu những quy định về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện, nội quy và các quy định khác của nhà trường; giới thiệu cơ sở vật chất nhà trường, thiết bị học tập, vị trí các phòng học, phòng chức năng, thư viện, phòng máy tính, phòng truyền thống, sân chơi, bãi tập, nhà thi đấu, khu bán trú, nhà ăn, nhà vệ sinh, trang phục, đồ dùng học tập và rèn luyện của học sinh khi đến trường.

Học sinh được tổ chức tìm hiểu các hoạt động học tập giúp các em làm quen với mục đích, yêu cầu, chương trình học tập và phương pháp học tập, rèn luyện ở trường, lớp, làm quen và từng bước tiếp cận với nội dung, phương pháp, hình thức dạy học một cách tích cực, chủ động, tự tin.

Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm giới thiệu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo nhằm khơi gợi cho học sinh sự yêu thích và hứng thú với môn học, các phiên bản kĩ thuật số và kho học liệu số của nhà trường.

Trong bối cảnh các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lan rộng, trường học cần tiếp tục duy trì các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm an toàn trường học, an toàn vệ sinh thực phẩm, duy trì hoạt động rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng cho tất cả mọi thành viên trong trường.

Theo đó, nhà trường bố trí bồn rửa tay với số lượng phù hợp, nơi rửa tay thuận tiện, cung cấp đầy đủ và duy trì xà phòng, nước sạch.

Việc tổ chức bán trú phải thực hiện vệ sinh ăn uống, bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và công khai chất lượng bữa ăn.

z5716620205816_b6bd9f19e88d3b6d6afca38ffc2daa8f.jpg
Học sinh tiểu học trong một giờ lên lớp

Đối với học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học cấp tiểu học, nhà trường chủ động bố trí thời gian kiểm tra lại đối với các học sinh chưa hoàn thành chương trình với hình thức tương tự như tổ chức kiểm tra định kì cuối học kì 2, không gây căng thẳng, áp lực cho học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra lại, tổ chức ôn tập cho học sinh; tổ khối phối hợp với giáo viên chủ nhiệm xây dựng đề kiểm tra các môn; thực hiện các quy trình theo đúng quy định.

Những học sinh đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, mức độ hình thành và phát triển một số phẩm chất, năng lực, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng đánh giá và xem xét, quyết định việc được lên lớp hoặc chưa được lên lớp.

Sau khi tiến hành kiểm tra lại, nhà trường lập danh sách báo cáo cho Phòng GD-ĐT, đồng thời tiến hành cập nhật số liệu tại cổng thông tin và dữ liệu Học bạ số.

Chương trình học của học kỳ 1 sẽ bắt đầu từ ngày 9-9-2024, học kì 2 từ ngày 13-1-2025). Các đơn vị chủ động sắp xếp chương trình, kế hoạch dạy học và thời khoá biểu đảm bảo chương trình theo kế hoạch thời gian năm học của nhà trường.

Về quy định thời gian học tập của học sinh, hiệu trưởng chủ động sắp xếp kế hoạch nhà trường, xây dựng thời khoá biểu linh hoạt, phù hợp, mỗi ngày thực hiện tối thiểu 7 tiết, khuyến khích thực hiện sáng 4 tiết, chiều 3 tiết.

Bên cạnh 7 tiết trong chương trình giáo dục phổ thông mỗi ngày, nhà trường có thể xây dựng chương trình nhà trường và kế hoạch tổ chức thêm các hoạt động khác tuỳ theo nhu cầu và năng lực của học sinh và thỏa thuận với cha mẹ học sinh.

Sau giờ học mỗi ngày, nhà trường có thể xây dựng kế hoạch tổ chức các câu lạc bộ sau giờ chính khoá cho học sinh cho đến khi học sinh được đón về. Các kế hoạch này phải được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt trước khi tiến hành.

Nhà trường cần bảo đảm khung thời gian mỗi ngày như sau: Thời gian vào tiết đầu tiên của buổi sáng từ 7g30 trở đi và không trễ hơn 7g45; Thời gian vào tiết đầu tiên của buổi chiều không sớm hơn 13g30.

Tin cùng chuyên mục