TPHCM: Hoàn thiện các tiêu chí xây dựng "Trường học hạnh phúc"

Sáng 14-4, gần 100 cán bộ quản lý là lãnh đạo phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM đã tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo góp ý xây dựng bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Công đoàn ngành giáo dục thành phố tổ chức.

Nhu cầu cần thiết xây dựng "Trường học hạnh phúc"

Tại hội thảo, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, để xác định các tiêu chí đo lường hạnh phúc trong trường học cần sự tổng hòa của nhiều yếu tố, đánh giá từ đội ngũ cán bộ quản lý đến giáo viên, phụ huynh và học sinh.

"Hàm lượng giáo dục ở môi trường phổ thông hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Trong đó, không phải chỉ nhồi nhét kiến thức là hoàn thành mục tiêu giáo dục mà trường học trong bối cảnh mới phải quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố con người, chương trình học và môi trường tác động người học", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng phát biểu tại hội thảo

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng phát biểu tại hội thảo

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã đề cập đến sự cần thiết của việc xây dựng "Trường học hạnh phúc".

Ngoài ra, Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019-2025" do UBND TPHCM ban hành và Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai xây dựng văn hóa học đường đều nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc.

Theo ông Nguyễn Minh Quốc Bảo, Chủ tịch công đoàn ngành giáo dục thành phố, một trong những giải pháp nâng cao năng lực sư phạm, đạo đức cho đội ngũ nhà giáo trong tình hình mới là xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc".

Trong đó, từ 22 tiêu chí xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc" theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Bộ GD-ĐT phối hợp với Công đoàn giáo dục Việt Nam triển khai các tiêu chí phù hợp với điều kiện và đặc thù riêng của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Công đoàn ngành giáo dục thành phố phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM xây dựng dự thảo Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" áp dụng chung cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM nhằm tạo ra môi trường học đường lành mạnh, học sinh và giáo viên hạnh phúc.

Lan tỏa tinh thần từ đội ngũ cán bộ quản lý

Chia sẻ ý kiến tại hội thảo, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 cho biết, mô hình "Trường học hạnh phúc" cần được xây dựng trên các giá trị yêu thương, tôn trọng và an toàn.

Trong đó, học sinh được xác định hạnh phúc khi được học hỏi, tiếp thu kiến thức và thực hành, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để phát triển toàn diện thể chất và tinh thần cho các em.

Song song đó, việc phát huy tinh thần dân chủ trong nhà trường sẽ phát huy được sức mạnh tập thể, rèn luyện cho học sinh, giáo viên tư duy phản biện, dám nghĩ dám làm, thể hiện ý tưởng của mình.

Ngoài ra, các yêu cầu về an toàn trường học, đảm bảo trật tự, an ninh trước cổng trường, đồng thời triển khai các mô hình tư vấn tâm lý cho học sinh theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến giúp tạo ra môi trường giáo dục an toàn.

"Tôi cho rằng vai trò của cán bộ quản lý rất quan trọng. Người lãnh đạo phải thay đổi tư duy mới chuyển tải được cho đội ngũ giáo viên, từ đó giáo viên lan tỏa đến học sinh", ông Phạm Đăng Khoa nêu ý kiến.

Ở góc độ khác, theo bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), môi trường giáo dục hạnh phúc là khi học sinh cảm thấy được là chính mình khi tham gia các hoạt động sinh hoạt, học tập tại trường, được nói lên suy nghĩ cá nhân và làm những việc mình yêu thích.

Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) đóng góp ý kiến tại hội thảo

Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) đóng góp ý kiến tại hội thảo

Như vậy, "Trường học hạnh phúc" không chỉ đánh giá thông qua chất lượng giáo dục mà phải tổng hòa nhiều chỉ số về con người (các mối quan hệ lành mạnh, tôn trọng sự khác biệt trong nhà trường), tính vận hành hiệu quả của cả hệ thống, các cá nhân được phát triển tinh thần hợp tác, làm việc nhóm, khuyến khích khả năng sáng tạo trong môi trường văn hóa an toàn, thân thiện, tích cực.

Để cụ thể hóa các mục tiêu đó, nhà trường cần đa dạng các hình thức giáo dục, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống thông qua hoạt động sinh hoạt dưới cờ, chú trọng các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tích hợp liên môn kết hợp với đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, phát huy tối đa sự tích cực của học sinh.

Với giáo viên, đội ngũ cần được quan tâm cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần, được tạo điều kiện tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ, tăng sự kết nối, giúp các thầy cô cảm nhận trường học trở thành ngôi nhà thứ hai của mình.

"Trong bối cảnh học phí không thể tăng, chính sách lương bổng và các giá trị vật chất không tăng thì biện pháp gia tăng các giá trị tinh thần là cần thiết. Trong đó, giáo viên được tạo cơ hội thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, tham gia hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực, tham gia các ban hoạt động đặc thù trong nhà trường như ban truyền thông, ban tin học, ban văn nghệ…", bà Bùi Minh Tâm bày tỏ.

Ngoài ra, theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), lực lượng tham gia quá trình giáo dục ở trường học không chỉ gồm học sinh, giáo viên, nhân viên mà còn những người lao động tham gia vào các dịch vụ cung ứng cho trường học.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất mở rộng khái niệm ra ngoài khuôn viên trường học

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất mở rộng khái niệm ra ngoài khuôn viên trường học

Do đó, đối tượng con người được quan tâm khi xây dựng tiêu chí "Trường học hạnh phúc" cần mở rộng thêm nhiều nhóm đối tượng, khái niệm được hiểu theo nghĩa rộng hơn chứ không chỉ giới hạn trong khuôn viên trường học.

Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) Hoàng Thị Hảo nêu ý kiến, mỗi trường học có đặc thù riêng về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên cần tiêu chí mở đối với việc thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc".

Ở góc độ phòng GD-ĐT, bà Trần Đức Hạnh Quỳnh, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 1 cho rằng, trường ở khu vực nội thành có nhiều đặc điểm khác khu vực ngoại thành như hạn chế về quỹ đất, sĩ số học sinh/lớp... Do đó, việc xây dựng bộ tiêu chí cần được tính toán phù hợp đặc thù riêng ở từng khu vực.

Đặc biệt, theo Phó trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức Lê Thị Xinh, trong bối cảnh xã hội chịu ảnh hưởng khá nhiều từ sự phát triển của môi trường mạng, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đang đối mặt nhiều vấn đề mới dễ gây stress cho các thầy, cô.

Do đó, cán bộ quản lý, giáo viên cần được trang bị kỹ năng quản lý cảm xúc. Người đứng đầu phải giữ được tinh thần thoải mái mới lan tỏa năng lượng tích cực cho đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên, với áp lực sĩ số 40-50 học sinh/lớp, việc đòi hỏi giáo viên lan tỏa các giá trị hạnh phúc cho học sinh là nhiệm vụ khá khó khăn.

Vì vậy, cần mở rộng thêm các kênh tư vấn tâm lý trong trường học, kết hợp với việc kiện toàn nhân sự chuyên viên tâm lý học đường nhằm giải tỏa kịp thời áp lực cho học sinh, giáo viên.

Nhìn chung, các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng cần đề cao vai trò người đứng đầu trong việc triển khai mô hình "Trường học hạnh phúc".

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, dự thảo sẽ tiếp tục lấy ý kiến các đơn vị trường học, phòng GD-ĐT, đơn vị ngoài ngành giáo dục để hoàn thiện bộ tiêu chí trước khi áp dụng chung cho các trường học trên địa bàn TPHCM.

Tin cùng chuyên mục