Hội thảo có sự tham dự của bà Trần Hải Yến, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM cùng đại diện các sở, ngành, trường đại học, cao đẳng, học viện và phổ thông trên địa bàn thành phố.
Nâng cao năng lực nghề nghiệp giáo viên
Theo bà Cao Thị Thiên Phúc, Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM), khái niệm "Trường học hạnh phúc" không phải mới xuất hiện gần đây mà đã được xây dựng từ nhiều năm trước.
Trong đó, ngành giáo dục phấn đấu xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, đạt hiệu quả, giúp học sinh cảm nhận "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", tham gia các hoạt động dạy học tích cực, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho học sinh.
Làm rõ hơn điều này, TS. Nguyễn Thị Xuân Yến, Phó trưởng Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM thông tin, bắt từ năm học 2018-2019, xây dựng "Trường học hạnh phúc" là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo.
"Đây là chủ trương cần thiết trong bối cảnh cả nước triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đồng thời chịu ảnh hưởng to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chưa bao giờ ngành giáo dục đứng trước sự giám sát và yêu cầu cao của xã hội như vậy", TS. Nguyễn Thị Xuân Yến bày tỏ.
Cán bộ quản lý và giáo viên tham dự hội thảo |
Trong đó, đối với bậc tiểu học, thống kê gần đây cho thấy, cả nước mới có 74% giáo viên tiểu học đạt trình độ theo yêu cầu Luật Giáo dục 2019. Tại TPHCM, thành phố còn thiếu 3.463 giáo viên tiểu học, chiếm tỷ lệ 12,8% số lượng giáo viên cần có. Điều này đồng nghĩa mỗi giáo viên phải đảm nhận khối lượng công việc nhiều hơn 12,8% so với lượng công việc theo trách nhiệm.
Thực tế đó cho thấy, yêu cầu nâng cao và phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc".
Cùng quan điểm, TS. Phạm Thị Thúy, Phó Trưởng khoa Quản lý kinh tế xã hội, Học viện hành chính quốc gia cho rằng, đối tượng trung tâm của trường học là học sinh. Song, để làm cho học sinh hạnh phúc thì đối tượng cần quan tâm là giáo viên.
TS. Nguyễn Thị Xuân Yến, Phó trưởng Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM phát biểu tại hội thảo |
Ở góc độ khác, cán bộ quản lý và giáo viên nhiều trường học cũng cho rằng, "Trường học hạnh phúc" không chỉ dừng lại ở một dự án, mô hình thực hiện theo đề xuất của cơ quan giáo dục mà cần thực hiện lâu dài và bền vững, qua đó góp phần xây dựng và nâng cao văn hóa trường học.
Để mô hình hiệu quả trong thực tế
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó trưởng Phòng Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM nhận định, ngành giáo dục hiện nay đang cùng lúc triển khai nhiều mô hình như "Trường học an toàn", "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Trường học lấy học sinh làm trung tâm"...
"Chúng ta đã tổng kết kết quả đạt được của các mô hình trước hay chưa? Liệu rằng các tiêu chí xây dựng "Trường học hạnh phúc" có sự lặp lại hay kế thừa tiêu chí của những mô hình trước đó?", đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM trăn trở.
Qua thực tế công tác, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết, hiện nay tỷ lệ học sinh vi phạm pháp luật ngày càng tăng. Câu hỏi được đặt ra là trường phổ thông đã dạy học sinh đầy đủ chưa? Phải chăng nhà trường đang dạy học sinh "thành danh" trước khi "thành nhân" trong khi lẽ ra cần ngược lại?
Đại diện Sở Lao động Thương binh và xã hội phát biểu tại hội thảo |
Thêm vào đó, trường học ở nội thành có điều kiện khác trường ngoại thành, nếu triển khai cùng bộ tiêu chí cần có hướng mở cho các trường chủ động thực hiện phù hợp điều kiện thực tế tại đơn vị.
Bà Trần Hải Yến, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM cho rằng, hiện nay có rất nhiều tiêu chí và nội dung xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc", song ngành giáo dục cần xác định cái nào quan trọng, cái nào làm trước cái nào làm sau.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, xây dựng "Trường học hạnh phúc" là việc làm thiết thực, cần thực hiện có chiều sâu và có sức lan tỏa.
Trong đó, bộ tiêu chí là cơ sở để trường học tổ chức thực hiện theo tình hình thực tế tại đơn vị. Trước mắt, ngành giáo dục sẽ lựa chọn một số đơn vị triển khai thí điểm để sơ kết, rút kinh nghiệm, đánh giá sự thay đổi của nhà trường khi triển khai thực hiện trước khi nhân rộng toàn thành phố.