TPHCM: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, chăm sóc sức khỏe người dân hậu Covid-19

Sáng 8-1, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do UBND TPHCM tổ chức, người đứng đầu các sở, ngành đã nêu các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng 8-1, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; đại diện các sở ngành TP.

* Giám đốc Sở Y tế TPHCM TĂNG CHÍ THƯỢNG:

  Chăm sóc sức khỏe cho người dân hậu Covid-19

Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM đang chuyển biến tốt, số ca mắc mới giảm, số ca nhập viện, số ca trở nặng và số ca tử vong đều giảm. Đến ngày hôm nay, thành phố ghi nhận 18 ca tử vong trong ngày (trong đó có 7 người ở tỉnh, 11 người ở TPHCM), con số thấp nhất trong 6 tháng qua.

TPHCM: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, chăm sóc sức khỏe người dân hậu Covid-19 ảnh 1 Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng. Ảnh: VIỆT DŨNG  
Trong giai đoạn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", ngành y tế phải linh hoạt trong kế hoạch tái cấu trúc hệ thống y tế nhằm đáp ứng song hành 2 nhiệm vụ: phòng chống dịch và đảm bảo chăm sóc sức khoẻ, chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế.

Vì thế, ngành y tế chú trọng tăng cường hệ thống y tế cơ sở để quản lý, theo dõi sức khoẻ của từng hộ, từng người dân trên địa bàn; có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Như vậy, trạm y tế đóng vai trò như "người gác cổng" là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh. Cùng với đó là phát huy nguồn lực y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân. Nhiều vấn đề sức khỏe của người dân hậu mắc Covid-19 trong thời gian qua đã được ghi nhận: cảm giác mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần hậu Covid-19... Ngành y tế xem đây là một vấn đề cần quan tâm và đang tổ chức xây dựng Kế hoạch điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân sau mắc Covid-19. Trong đó, tăng cường sự phối hợp giữa Đông y và Tây y trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân; chủ động phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe liên quan đến các Hội chứng hậu Covid-19 phân biệt với các bệnh lý khác; tổ chức tổng đài tư vấn sức khỏe tâm thần, tâm thể trị liệu do các chuyên gia của Bệnh viện Tâm Thần phụ trách...

Giám đốc Sở Công thương TPHCM BÙI TÁ HOÀNG VŨ: 

  Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất

Sau du lịch thì ngành công thương là ngành ảnh hưởng nặng nề thứ hai trong dịch bệnh. Bước sang năm 2022, Sở Công thương tập trung 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, trước tiên là đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Vấn đề của doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn. Vì thế, ngành công thương sẽ phối hợp với ngân hàng tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp giúp kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.

TPHCM: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, chăm sóc sức khỏe người dân hậu Covid-19 ảnh 2 Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ. Ảnh: VIỆT DŨNG   
Sở Công thương cũng tập trung chuyển đổi số, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp từng bước ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đến nay, 100% thủ tục hành chính (114 thủ tục) của Sở đã được cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp tiếp cận còn chưa cao, nên Sở tiếp tục tuyên truyền về chủ trương cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian, chi phí thực hiện, vừa đảm bảo an toàn, thích ứng trong điều kiện dịch bệnh.

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM HUỲNH THANH NHÂN

  Nâng cao tính minh bạch của chính quyền

Trong năm 2022, thực hiện chủ đề năm của TPHCM “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, Sở Nội vụ TPHCM tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ về xây dựng chính quyền đô thị.

Cụ thể, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Đề án “Cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức” trình cấp có thẩm quyền; xây dựng Đề án “Phân cấp, ủy quyền cho thành phố Thủ Đức”. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền đô thị gắn với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao tính minh bạch của chính quyền địa phương và hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số.

TPHCM: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, chăm sóc sức khỏe người dân hậu Covid-19 ảnh 3 Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG  
Mặt khác, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại, kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí.

Để nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính của TPHCM và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Sở Nội vụ thực hiện 8 giải pháp trọng tâm. Trong đó, ban hành quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu của cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến việc chậm trễ, thiếu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc giải quyết hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung “khơi thông” các điểm nghẽn về thể chế trên các lĩnh vực. Chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, định kỳ 3 tháng tổ chức đối thoại về cải cách thủ tục hành chính để kịp thời ghi nhận và giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc và đồng hành cùng doanh nghiệp.

* Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM LÊ MINH TẤN: 

  Giải quyết việc làm cho 300.000 lao động

Năm 2022, Sở LĐTB-XH TPHCM chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh cho các diện yếu thế, người có đời sống khó khăn sau đại dịch Covid-19 như hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi vì Covid-19; hỗ trợ nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân, người mắc Covid-19. Hiện nay, TPHCM có 383 người cao tuổi neo đơn, hơn 2.200 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19.
TPHCM: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, chăm sóc sức khỏe người dân hậu Covid-19 ảnh 4 Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn. Ảnh: VIỆT DŨNG  
Sở cũng tham mưu cho UBND TPHCM giải quyết việc làm cho 300.000 lao động, trong đó có 140.000 chỗ việc làm mới; đào tạo nghề cho 371.000 lao động. Đồng thời, kết nối cung – cầu lao động giữa người lao động và doanh nghiệp; tổ chức các phiên, các sàn giao dịch việc làm, chú trọng đào tạo nghề cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 ngành dịch vụ của thành phố và 8 ngành dịch chuyển tự do của khu vực ASEAN.
Ngành LĐTB-XH tập trung hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp gắn với các chính sách đặc thù của thành phố về an sinh xã hội: nhà ở xã hội giá thấp, vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng, xây dựng các khu lưu trú cho công nhân tại các doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục