Ngày 6-12, thông tin từ Sở Công thương TPHCM cho biết, qua 4 ngày triển khai Hội nghị kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành (tại Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ, quận 11) đã tạo được kết nối giao thương, giúp nhiều doanh nghiệp ký kết được đơn hàng với 559 giao dịch thành công; trong đó, chủ yếu tập trung nhiều sản phẩm thực phẩm, đặc sản vùng miền.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa hàng về TP, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu dịp cận Tết Nguyên đán 2022, nhằm tăng nguồn cung phục vụ nhu cầu của người dân với mức giá ổn định, hợp lý, Sở Công thương TP sẽ tiếp tục hỗ trợ trong việc xúc tiến, ký kết đơn hàng bằng hình thức trực tuyến.
Hội nghị kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành 2021 diễn ra từ ngày 2 đến ngày 5-12, với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp đến từ hơn 45 tỉnh, thành và hơn 600 gian hàng giới thiệu, trưng bán nhiều mặt hàng.
Trước đó, ghi nhận tại những ngày diễn ra sự kiện, nhiều doanh nghiệp, nhà vườn tham cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuỗi cung ứng đầu vào đầu ra bị đứt gãy nên giá thành sản xuất tăng trên dưới 20%, tùy sản phẩm. Nhưng để kích thích sức mua, giá bán các mặt hàng cho mùa Tết năm nay dự kiến vẫn được giữ ở mức ổn định, thậm chí có thể giảm so với các năm trước nếu sức mua không được cải thiện.
Số liệu từ Sở Công thương TP cập nhật đến chiều ngày 6-12 cho thấy, đã có 5.700 chương trình khuyến mại của 1.591 thương nhân gửi hồ sơ tham gia chương trình Khuyến mại tập trung “Shopping Season 2021” với mức khuyến mại sâu nhất trong năm, lên đến 100%.
Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cũng cho biết, đến nay hầu hết các địa phương đã hưởng ứng, tham gia.
Trong Tháng khuyến mại tập trung, Bộ Công thương còn triển khai nhiều chuỗi sự kiện như: Chương trình tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường xuất nhập khẩu; Chương trình kết nối giao thương với các thị trường Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Á; Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”… nhằm thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”; đẩy mạnh các hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện “bình thường mới”; kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Để thực hiện hiệu quả chương trình, Bộ Công thương đã đề nghị các Hiệp hội, ngành hàng, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, thương nhân, cá nhân có liên quan tổ chức, tham gia, hưởng ứng chương trình, đồng thời phát động, thực hiện chương trình tại các địa phương trên toàn quốc.