PHÓNG VIÊN: Việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TPHCM (gọi tắt là Trung tâm) có ý nghĩa gì với TPHCM trong cải cách hành chính, chuyển đổi số, thưa ông?
Ông ĐẶNG QUỐC TOÀN: Việc thí điểm thành lập Trung tâm có ý nghĩa lớn trong việc thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa nền hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Việc thành lập Trung tâm cũng là sự kế thừa những kết quả đã đạt được từ mô hình “bộ phận một cửa”, “một cửa liên thông” và Dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, hướng đến chuyên nghiệp hóa bộ phận hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa và trả kết quả TTHC; nâng cao chất lượng phục vụ người dân khi thực hiện TTHC.
Trung tâm đi vào hoạt động sẽ làm giảm số lượng bộ phận một cửa, góp phần tối ưu hóa nguồn lực. Các nguồn lực này có thể được sử dụng hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, Trung tâm giữ vai trò điều phối chung, là công cụ hiệu quả để phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo UBND TPHCM và giám sát, điều phối việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Đồng thời, thực hiện hiệu quả việc số hóa, khai thác, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, không yêu cầu khai, nộp những thông tin, giấy tờ cơ quan nhà nước đã có và quản lý ở dạng điện tử. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện TTHC, nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số tại TPHCM.
Điều đang được quan tâm là khi Trung tâm hoạt động sẽ mang lại những lợi ích gì cho người dân, doanh nghiệp?
Trung tâm hoạt động trên nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ. Điều này dựa trên việc giải quyết TTHC không phân biệt địa giới hành chính. Nghĩa là người dân có thể nộp hồ sơ ở bất cứ đâu, không nhất thiết phải về nơi thường trú. Hoạt động của Trung tâm cũng góp phần khắc phục những hạn chế của mô hình “bộ phận một cửa” hiện nay, tháo gỡ các “điểm nghẽn” và giải quyết tình trạng ách tắc trong giải quyết TTHC ở một số lĩnh vực như đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng...
Bên cạnh đó, toàn bộ quá trình tiếp nhận, số hóa, luân chuyển, giải quyết, trả kết quả TTHC phải được công khai, minh bạch, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và thực hiện trên môi trường số. Hoạt động của Trung tâm cũng được đổi mới toàn diện, triệt để so với mô hình “bộ phận một cửa” nhằm thích ứng linh hoạt với yêu cầu thực tiễn.
Như ông vừa chia sẻ thì hoạt động của Trung tâm sẽ làm giảm số lượng bộ phận một cửa, vậy tiến trình thực hiện như thế nào?
Quá trình thực hiện sẽ theo lộ trình cụ thể, gồm 3 giai đoạn. Trong đó, từ nay đến hết năm 2024, tập trung thành lập tổ chức bộ máy, ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ; chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho triển khai giai đoạn 2. Dự kiến vào đầu tháng 10, UBND TPHCM sẽ ban hành quyết định thành lập Trung tâm, quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm. Giai đoạn 2, từ ngày 1-1-2025 đến ngày 31-12-2025, Trung tâm sẽ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC đa ngành, đa lĩnh vực và không phụ thuộc vào địa giới hành chính ở một số TTHC, tăng khả năng tiếp cận, khai thác dịch vụ công cho người dân. Giai đoạn 3, từ ngày 1-1-2026 đến ngày 31-12-2026, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Trung tâm theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đó là tiến độ dự kiến, nếu quá trình triển khai thuận lợi, có thể rút ngắn thời gian ở giai đoạn 2 và chuyển sang giai đoạn 3 sớm hơn để phục vụ người dân giải quyết TTHC không phân biệt địa giới hành chính và giải quyết TTHC 3 cấp như chỉ đạo của Chính phủ.
Để hoạt động của Trung tâm sớm đạt được những yêu cầu đề ra thì cần những điều kiện gì, thưa ông?
TPHCM đã vận hành Cổng dịch vụ công của thành phố. Chúng tôi đã công bố 1.962 TTHC, trong đó có 611 thủ tục trực tuyến toàn trình. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai Trung tâm trong thời gian tới. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng số cho các chi nhánh Trung tâm hiện nay (đang là bộ phận một cửa cấp huyện) cũng như các điểm tiếp nhận cấp xã. Trong năm 2023 và năm 2024, UBND TPHCM đã có đề án nâng cao năng lực chuyển đổi số của các địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp trong thời gian tới, đảm bảo tương thích, đồng bộ kết nối dữ liệu để giải quyết TTHC nhanh hơn, hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Toàn TPHCM hiện có 352 bộ phận một cửa các cấp, gồm 18 cấp sở, 22 cấp huyện và 312 cấp xã. Tính đến ngày 26-8, số lượng nhân sự tại bộ phận một cửa là 2.558 công chức, viên chức.
Trung tâm hoạt động với mô hình 1 cấp tiếp nhận, giải quyết TTHC 3 cấp. Khi đó, toàn TPHCM chỉ có một Trung tâm tại trụ sở UBND TPHCM, 22 chi nhánh tại bộ phận một cửa cấp huyện, 18 điểm tiếp nhận tại các sở và 312 điểm tiếp nhận ở phường, xã, thị trấn.