TPHCM: Hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân, giá cả không có biến động mạnh

Chiều 25-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM.

 

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình và Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình và Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo
TP đã tiêm được 885.000 liều vaccine Vero Cell
Phát biểu mở đầu tại buổi họp báo, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải thông tin, từ 18 giờ ngày 23-8 đến 18 giờ ngày 24-8, TPHCM lấy gần 317.400 mẫu xét nghiệm, trong đó số mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên là gần 256.500 mẫu.
Về vaccine, tổng mũi vaccine triển khai tiêm là hơn 5,56 triệu liều. Trong đó, mũi 1 là 5,34 triệu liều; mũi 2 là 222.198 liều. Số người trên 65 tuổi và người có bệnh nền đã được tiêm vaccine là 562.000 người.
TPHCM: Hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân, giá cả không có biến động mạnh ảnh 1 TPHCM đã tiêm được hơn 5,56 triệu liều vaccine Covid-19. Ảnh: CAO THĂNG
Về chính sách hỗ trợ, ngày 24-8, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết để ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid-19, trị giá khoảng 470 tỷ đồng. TP đã chuẩn bị được 1,86 triệu túi quà an sinh (300.000 đồng/túi) để hỗ trợ người dân.

Tính từ ngày 11-7 đến ngày 25-8, có hơn 300 người lang thang, xin ăn đã được đưa vào Trung tâm hỗ trợ Xã hội TPHCM. Trong ngày, các cơ sở xã hội cũng tiếp nhận 18 người nghiện ma túy; lũy kế từ ngày 11-7 đến ngày 25-8 là 127 người.

Trong giao thông, lượng phương tiện giao thông từ 6 giờ đến 13 giờ ngày 25-8 được đo tại 100 điểm trên 48 tuyến đường chính đã giảm 89% so với trung bình ngày thường.

Trả lời câu hỏi về việc đi chợ giúp dân ra sao? Ông Phạm Đức Hải cho biết, qua 2 ngày (23 và 24-8), mỗi ngày Tổ cung ứng hàng hóa của các địa phương đã đi chợ giúp cho khoảng 20% hộ dân với nhiều mô hình, cách làm. Giá trị gói hàng mà các tổ đi trợ giúp dao động từ 100.000-500.000 đồng. Đánh giá chung, hàng hóa đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân. Giá cả hàng hóa ở các siêu thị không có biến động mạnh.
TPHCM: Hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân, giá cả không có biến động mạnh ảnh 2 Bộ đội đi chợ giúp dân. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Liên quan đến giá combo phân phối cho người dân, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, hiện nay hệ thống phân phối trực tiếp cung ứng hàng hóa cho người dân đa số là kênh phân phối hiện đại, phần lớn tham gia chương trình  bình ổn thị trường và hàng hóa đã được kiểm soát về giá. Tất cả đều là hệ thống lớn, chuỗi có thương hiệu nên có cạnh tranh trong kinh doanh. Việc tăng giá, nâng giá sẽ rất khó xảy ra.

"Người dân cho rằng giá combo cao, theo chúng tôi đánh giá có nghĩa giá tổ chức combo còn cao so với thu nhập người dân chứ không phải giá mặt hàng trong gói combo tăng cao. Sở đã đề nghị các siêu thị có các combo khác nhau từ 100.000 – 500.000 đồng để phục vụ cho nhu cầu của các gia đình khác nhau. Việc thống nhất các combo rất khó do mỗi hệ thống phân phối có những nhà cung ứng khác nhau và nguồn hàng khác nhau”, Phó Giám đốc Sở Công thương - Nguyễn Nguyên Phương thông tin.
Bộ đội đưa lương thực, thực phẩm tặng các hộ có hoàn cảnh khó khăn tại hẻm 870 Lạc Long Quân, quận Tân Bình chiều ngày 25-8. Ảnh: CAO THĂNG

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện ngành y tế đang thực hiện xét nghiệm tại các quận huyện, kế hoạch làm test nhanh toàn bộ người dân vùng đỏ và cam, làm PCR mẫu gộp 10, gộp 5 cho người dân vùng xanh và vàng. Qua đánh giá, số mẫu xét nghiệm đã tăng nhanh trong những ngày gần đây. Ngày 23-8 đã tăng lên hàng trăm ngàn mẫu và trong 2 ngày đã vượt hơn 500.000 mẫu.

Chỉ cấp giấy đi đường cho người đi làm việc, công vụ

Liên quan đến việc một số xe có mã QR nhưng không được qua chốt, trả lời vấn đề này, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM, cho biết, Công an TPHCM đã ghi nhận có trường hợp này và đã yêu cầu công an quận, huyện và TP Thủ Đức quán triệt lại đối với cán bộ - chiến sĩ ở các chốt nắm quy định.

“Công an TPHCM chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND TPHCM, tức là xe đã được cấp mã QR thì được lưu thông theo lộ trình, thời gian cho phép và không kiểm tra giấy đi đường. Đó là quan điểm quán triệt và trong trưa 25-8, Công an TPHCM đã họp với lãnh đạo chỉ huy các quận, huyện và TP Thủ Đức để trao đổi các nội dung vướng mắc có nhiều phản ánh”, Thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định.

Đối với cơ sở kinh doanh gas thiết yếu, thuộc diện do UBND các cấp tập hợp số lượng và phối hợp với công an các quận, huyện và TP Thủ Đức để cấp giấy đi đường. Công an TPHCM đã ủy quyền cho trưởng công an cấp quận, huyện và TP Thủ Đức cấp giấy đi đường đối với diện này (thuộc nhóm 12).

Thượng tá Lê Mạnh Hà phân trần, trong văn bản chỉ đạo của UBND TPHCM chưa được rõ lắm, nên một số đơn vị cho rằng Công an TPHCM là đơn vị cấp và chuyển giấy đi đường về nên liên hệ với Công an TPHCM. Trong khi đó, sự phối hợp của các ban, ngành chưa được nhịp nhàng. Vì vậy, trưa ngày 25-8, Công an TPHCM đã làm việc lại với các đơn vị liên quan về nội dung này.

Trong việc cấp giấy đi đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, với chỉ đạo của Chính phủ và của UBND TPHCM, thì đợt tăng cường giãn cách này phải kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ người lưu thông trên đường. Công an TPHCM được giao cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng được phép lưu thông, nhưng vì tăng cường giãn cách xã hội, nên khi cấp giấy đi đường sẽ phải hết sức cân nhắc. “Tinh thần là phải làm nghiêm ngặt”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Cũng theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, các đơn vị, doanh nghiệp đã làm việc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Vì vậy, số người đề nghị cấp phép phải là những người đi ra đường làm công vụ, chứ không có nghĩa là cấp phép để cho người đi từ nhà tới cơ quan. “Chỉ cấp cho người buộc phải từ cơ quan đi làm nhiệm vụ, đi giao dịch, đi làm”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Hiện có tình trạng doanh nghiệp đề nghị cấp giấy đi đường cho 50-60 người/doanh nghiệp trong khi trên thực tế, số người đi giao dịch công việc cần thiết về hậu cần, tài chính thì chỉ cần 2-3 người, thậm chí là chỉ cần 1 người. Vì vậy, Công an TPHCM phải xem xét. Nếu thực sự bức thiết đối với doanh nghiệp, thì sẽ báo cáo UBND TPHCM. Thượng tá Lê Mạnh Hà một lần nữa nhấn mạnh: "Chỉ cấp giấy đi đường cho các trường hợp đi làm việc, công vụ''.

TPHCM: Hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân, giá cả không có biến động mạnh ảnh 4 Thượng tá Lê Mạnh Hà một lần nữa nhấn mạnh: "Chỉ cấp giấy đi đường cho các trường hợp đi làm việc, công vụ''. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Còn đơn vị nào không duy trì được “3 tại chỗ”, không đảm bảo được các yêu cầu phòng, chống dịch thì tạm ngưng trong giai đoạn này. Thượng tá Lê Mạnh Hà mong người dân, doanh nghiệp TPHCM thấu hiểu, chia sẻ với khó khăn chung của TP.

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình thông tin, chủng Delta đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Số ca mắc Covid-19 ở nhiều quốc gia đang tăng vọt trong 24 giờ qua.

TPHCM: Hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân, giá cả không có biến động mạnh ảnh 5 Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình thông tin tại buổi họp báo
Cụ thể, toàn thế giới đã có hơn 214 triệu ca mắc Covid-19. Riêng Hàn Quốc trong 24 giờ qua ghi nhận 2.155 ca; Israel với 63% dân số được tiêm vaccine, ghi nhận gần 11.000 ca. Trong khi đó, Thái Lan ghi nhận 18.400 ca, Indonesia ghi nhận 19.100 ca, Malaysia có 20.800 ca, Philippines 13.844 ca. Tại New Zealand cách đây 3 ngày, ngay khi ghi nhận ca duy nhất trong cộng đồng là lockdown ngay.

Đối với Việt Nam, ông Lê Hải Bình thông tin, tổng số ca mắc Covid-19 đang đứng thứ 66/222, số ca mắc mới đứng 79/222 trên thế giới.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, chỉ số này giúp chúng ta lạc quan – lạc quan để tự tin, chứ không phải lạc quan để chủ quan. Trong khi đó, chỉ số tử vong trên 1 triệu dân đứng 150/222, và ca mắc trên 1 triệu dân đứng thứ 168/222 trên thế giới.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình bày tỏ, mỗi một người dân đều quý, mỗi một sinh mạng đều quý.

Về vaccine, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh, vaccine tốt nhất là vaccine sớm nhất. Trong Công điện 1099 của Thủ tướng Chính phủ ra ngày 22-8 đã khẳng định ưu tiên cao nhất là phân bổ vaccine cho TPHCM. Điều này thể hiện tấm lòng của cả nước đối với TPHCM.  

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình đề nghị báo chí thông tin các nỗ lực trong phòng, chống dịch và chăm lo cho người dân tại TPHCM. Trường hợp nào chưa nhận được hỗ trợ, đề nghị báo chí thông tin giúp để cơ quan chức năng hỗ trợ tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục