Theo đó, việc các trường phối hợp với đơn vị liên doanh, liên kết tổ chức hoạt động căn tin, bãi giữ xe, nhà thi đấu, hồ bơi theo quy định của Bộ Tài chính phải lập đề án cho thuê tài sản công.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay khi lập đề án là liên quan việc định giá tài sản công, các quy định về thuế, tiền sử dụng đất. Nếu thực hiện theo đúng quy định, chi phí thuê mặt bằng cực kỳ lớn khiến đơn vị liên doanh, liên kết không thể thực hiện.
"Hiện nay, căn tin, bãi giữ xe là hoạt động đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh. Do đó, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ có hướng dẫn các trường thực hiện theo tinh thần thu đủ bù chi, đảm bảo hoạt động cho các đơn vị", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.
Riêng đối với chương trình nhà trường (gồm tiếng Anh, tin học, kỹ năng sống...), hiện nay các trường triển khai nhiều chương trình khác nhau trên cơ sở nhu cầu thực tế của phụ huynh.
Đơn cử, chương trình tiếng Anh có tiếng Anh học thuật, tiếng Anh giao tiếp; kỹ năng sống có kỹ năng vận động, kỹ năng về tư duy...
Sau khi khảo sát nhu cầu phụ huynh, các trường cho phụ huynh đăng ký, đăng ký xong thì mở lớp dựa trên cơ sở đồng thuận.
"Đây là dịch vụ theo nhu cầu và có thu tiền người học chứ không phải hoạt động từ nguồn ngân sách nên không cần đấu thầu mà dựa trên sự đồng thuận của phụ huynh", đại diện Sở GD-ĐT TPHCM nêu ý kiến.
Theo ông Nguyễn Trần Vĩnh, chuyên viên Sở Tài chính TPHCM, Sở Tài chính mới đây đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT để thống nhất phương án triển khai cho các trường học.
Theo đó, trường học có thể lựa chọn một trong hai phương án gồm: nhà trường tự tổ chức căn tin, bãi giữ xe hoặc đấu thầu để lựa chọn đơn vị có chức năng thực hiện hoạt động căn tin, bãi giữ xe nhằm phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục cho đơn vị.
Sở GD-ĐT TPHCM sẽ có dự thảo văn bản hướng dẫn gửi UBND TP Thủ Đức và 21 quận huyện để lấy ý kiến trước khi hướng dẫn triển khai rộng rãi trên toàn thành phố.