Sáng 9-1, tại Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) đã diễn ra lễ khai mạc chương trình tư vấn tuyển sinh với chủ đề "Đúng ngành nghề - Sáng tương lai" lần thứ 15 năm 2023 do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM, Trung tâm phát triển giáo dục phía Nam (Bộ GD-ĐT) và Tạp chí Giáo dục TPHCM tổ chức.
Năm nay, chương trình tư vấn sẽ diễn ra tại hơn 100 trường THPT trên địa bàn TPHCM và 400 trường trên địa bàn 25 tỉnh, thành lân cận.
Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều thay đổi đòi hỏi người học phải bổ sung kiến thức và kỹ năng phù hợp bối cảnh xã hội.
Năm 2022, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT triển khai phương thức đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Song song đó, các trường đại học cũng đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh theo hình thức trực tuyến thông qua website, fanpage, zoom meeting... Đây vừa là cơ hội, song cũng gia tăng trách nhiệm của chính thí sinh trong lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Ở góc độ khác, theo TS. Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, hàng năm gần thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh các trường THPT luôn háo hức tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học.
“Toàn thành phố hiện có 206 trường THPT công lập và ngoài công lập. Trong đó, chương trình tư vấn tuyển sinh đã đến với học sinh của hơn 100 trường THPT, cho thấy sức lan tỏa của hoạt động này. Bên cạnh các kênh tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, học sinh vẫn cần một kênh tư vấn trực tiếp để trao đổi, giải đáp thắc mắc, góp phần định hướng nghề nghiệp chính xác hơn”, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.
Chia sẻ về thông tin xét tuyển năm nay, TS Nguyễn Đức Nghĩa, chuyên gia hướng nghiệp và tuyển sinh, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, Bộ GD-ĐT đã công bố sẽ giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT từ nay đến năm 2025. Như vậy, đối với học sinh lớp 11 và 12, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được giữ ổn định.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM trao đổi với học sinh tại buổi tư vấn |
Tuy nhiên, với học sinh đang học lớp 10 – lứa học sinh đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, xét tuyển đại học hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi.
Hiện nay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ học sinh được công nhận tốt nghiệp kỳ thi tốt nghiệp THPT mới được xét tuyển đại học nên kỳ thi vẫn có ý nghĩa quan trọng. Riêng đối với xét tuyển đại học, năm nay Bộ GD-ĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới nên công tác xét tuyển giữ ổn định như năm ngoái.
Trong đó, thí sinh cần lưu ý thủ tục đăng ký xét tuyển đại học là đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Năm 2022, có khoảng 20 phương thức xét tuyển đại học thuộc 5 nhóm chính gồm: tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của các trường đại học, xét tuyển theo kết quả các kỳ thi riêng, xét tuyển theo học bạ THPT và xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tại buổi tư vấn, Lê Như Khang, học sinh lớp 12TN1, Trường THPT Gia Định đặt câu hỏi về yêu cầu đối với ngành học logistic. ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - tài chính TPHCM thông tin, ngày càng có nhiều trường đại học mở chuyên ngành đào tạo logistic với nhiều tổ hợp môn xét tuyển.
Không chỉ thu hút sự quan tâm của học sinh khối 12, nhiều học sinh khối 10 và 11 cũng chăm chú lắng nghe giải đáp thắc mắc tại chương trình |
Để theo học ngành này, học sinh phải có sự năng động, nhạy bén, xử lý tình huống tốt, giỏi ngoại ngữ. Sau khi ra trường, các em có nhiều cơ hội việc làm ở các doanh nghiệp với nhiều vị trí như marketing, phụ trách kho bãi hoặc giảng dạy tại các đơn vị đào tạo...
Trường hợp khác, Nguyễn Quốc Thắng, học sinh lớp 12 XH2, Trường THPT Gia Định băn khoăn: “Em thấy nhiều anh chị hiện nay không cần qua trường lớp đào tạo cũng theo được ngành bất động sản, phải chăng yêu cầu của ngành học này không quá khắt khe?”
Một học sinh khối 12 đặt câu hỏi tại buổi tư vấn |
Trả lời câu hỏi trên, thầy Lê Thanh Tuấn, Phó ban tuyển sinh, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM chia sẻ, sinh viên theo học các chuyên ngành bất động sản có cơ hội việc làm rất lớn, không phải chỉ đi bán nhà, đất mà còn được đào tạo về cách thức đầu tư, quản lý bất động sản.
Ở góc độ bao quát hơn, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, Phó chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TPHCM khẳng định: “Các bạn trẻ có thể học sơ sơ bất kỳ ngành nào, thậm chí không học vẫn có thể làm được một nghề nào đó. Ngược lại, nhiều cử nhân tốt nghiệp ra trường nhưng không tìm được việc làm. Vấn đề quan trọng ở đây không phải là được đào tạo hay không đào tạo, đào tạo đến đâu mà phụ thuộc vào sự nỗ lực học hỏi của chính các bạn, kiếm tiền không chỉ trước mắt mà cần xác định mục tiêu lâu dài, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh rất lớn của thị trường lao động, không có chuyện ngồi không ăn bát vàng”.
Các chuyên gia cho biết, học sinh không nên đặt những câu hỏi như ngành này thu nhập bao nhiêu, cơ hội việc làm như thế nào mà cần tìm hiểu rõ nhu cầu của thị trường lao động, kết hợp với sự đánh giá năng lực, kiên trì phấn đấu của bản thân để có định hướng phát triển phù hợp.